Dịch covid-19: Sao nỡ quay lưng với đồng bào mình?

“Chúng tôi không chào đón du khách đến từ Vĩnh Phúc. Xin lỗi”! Dòng thông báo lạnh lùng này được dán trên cửa một khách sạn trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội sáng 12/2, trước thông tin Vĩnh Phúc xuất hiện 10 ca lây nhiễm dịch bệnh do virus Covid-19.

Dù đã chứng kiến vô số phản ứng “kỳ lạ” từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, nhưng cái cách hành xử của chủ khách sạn này vẫn khiến cộng đồng thêm một lần nữa ngỡ ngàng!

Ừ, thì người ta có thể nói, việc từ chối khách Vĩnh Phúc cũng giống với một số khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang hôm nào đăng biển từ chối khách Trung Quốc. Rồi thì, thà từ chối nhầm, còn hơn bỏ sót. Chứ lỡ “vớ phải ông nào dương tính” thì lây cho cả khách sạn, như trường hợp cô lễ tân khách sạn ở Nha Trang bị nhiễm dịch từ ông khách Trung Quốc. Hoặc bị cách ly như khách sạn “chứa” ông Việt Kiều bị nhiễm bệnh ở TP HCM. Còn nữa, nhận khách Vĩnh Phúc, thì “khách không Vĩnh Phúc” họ chạy mất, ai vào đấy mà lo…

Xét trên khía cạnh nào đó, suy nghĩ ấy chẳng sai.

Song, dù xuất hiện nhiều ca nhiễm virus Covid-19 nhất cả nước (10/15 trường hợp), thì so với dân số cả triệu người của Vĩnh Phúc, tỷ lệ người có bệnh vẫn quá nhỏ.

Trong khi đó, những người Vĩnh Phúc còn lại, cũng vẫn phải tới công trường, nhà máy, phải đi làm ăn, kể cả đi bệnh viện khi đau yếu…

Nếu ai cũng lấy lợi ích hẹp hòi của cá nhân làm thước đo hành động, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Ai sẽ chữa trị cho những người bị nhiễm virus Covid-19 nếu bác sỹ nào cũng lo bị lây bệnh?

Lực lượng nào sẽ bảo vệ, chăm lo những người dân trong những khu cách ly?

Tài xế nào nhận chở khách, chở hàng đi khắp vùng miền, mà nơi nào không có người trong diện nguy cơ lây nhiễm?

Công nhân vệ sinh nào dám thu gom rác – có thể chứa bao nhiêu mầm bệnh, trong đó có cả virus Covid-19?

Bản năng sinh tồn thôi thúc chúng ta hành động vì bản thân, làm những gì có lợi nhất cho bản thân. Song nếu chỉ hành động theo bản năng, thì con người có hơn gì loài vật?

Và thực tế nhãn tiền, môi trường nào mà bản năng càng được thả lỏng, xã hội, con người càng rủi ro. Chẳng nói đâu xa, thói quen giết mổ, ăn uống những loài động vật hoang dã, trong đó có con dơi của người dân Vũ Hán, Trung Quốc được cho là nguyên nhân lây truyền virus Covid-10 từ dơi sang người. Để rồi giờ đây, không chỉ người Vũ Hán hay riêng Trung Quốc, mà cả thế giới phải đối mặt với cơn dịch bệnh kinh hoàng.

Không quá khi nói rằng, chính cái bản năng “ăn cho sướng miệng, sướng thân” bất chấp cảnh báo cả về khía cạnh khoa học, y học lẫn đạo đức ấy của người Vũ Hán đã góp phần đẩy cả nhân loại vào hiểm họa mang tên Covid-19.

Còn bao nhiêu vùng, miền, dân tộc vẫn mang nhận thức ấu trĩ về dinh dưỡng như thế? Chắc chắn là không riêng Vũ Hán.

Và còn bao nhiêu hành vi gây nguy hại cho cộng đồng do bản năng chi phối như thế?

Xả rác bừa bãi, vô tư uống rượu tham gia giao thông, đụng xe quay sang ẩu đả, thậm chí có thể giết nhau vì “nhìn đểu”, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn…, đều xuất phát từ bản năng ích kỷ, trong môi trường luật pháp, đạo đức còn lỏng lẻo.

Ai đó cũng có thể nói rằng, doanh nghiệp được quyền từ chối cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho bất cứ ai họ muốn! Việc khách sạn ở Hà Nội từ chối khách Vĩnh Phúc không vi phạm pháp luật. Thì đây, nhiều người bảo vệ Vĩnh Phúc cũng đang hùa nhau tẩy chay khách sạn này. Nhưng nếu cứ như vậy, sẽ tạo ra biết bao cái vòng kỳ thị – trả đũa luẩn quẩn!

Vậy nên, xã hội không chỉ điều chỉnh hành vi con người bằng luật pháp mà còn bằng nhiều giá trị khác như văn hóa, đạo đức, tính nhân văn và lòng yêu thương… Dù những giá trị này không phải lúc nào cũng nhất quán, rạch ròi, song nó là một là một thước đo không thể thiếu cho một xã hội văn minh.

Quay lưng với đồng bào mình, nhất là trong dịch bệnh, không bao giờ được chấp nhận!

(Nguồn: FB CHẤT LƯỢNG SỐNG)