Công nghệ VAR, chấm thi trắc nghiệm và câu chuyện con người

Phút thứ 38 trận chung kết World Cup 2018 giữa Pháp và Croatia, camera trên sân đồng loạt dồn về phía công nghệ VAR. Tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam – nơi cách Luzhniki khoảng 7 ngàn km, hàng trăm người hồi hộp nín thở dõi theo. 

Giây phút trọng tài Nestor Pitana ra quyết định thổi phạt đền cho Pháp

 

Giây phút trọng tài Nestor Pitana ra quyết định thổi phạt đền cho Pháp, cả sân đại sứ quán rung chuyển bởi tiếng hò reo, phấn khích. Duy chỉ có một nhóm CĐV ít ỏi mặc áo caro đỏ trắng, vẽ cờ Croatia ngồi thẫn thờ.

Tôi nghe được lời ấm ức của anh chàng ngoại quốc: “Chúa ơi! Chuyện quái gì đang xảy ra. VAR giết chết Croatia rồi”.

Chỉ một giờ sau khi trận chung kết kết thúc, báo chí quốc tế và Việt Nam đồng loạt lên tiếng “bóc mẽ” VAR.

Roy Keane – huyền thoại một thời của MU – bức xúc: “Các cầu thủ Croatia xứng đáng được đối xử tốt hơn thế. Đó là quyết định đáng hổ thẹn”.

Còn cầu thủ “bất trị” Joey Barton viết: “Nếu bạn nghĩ đó là một quả penalty thì một bạn là người Pháp, hai là bạn chưa bao giờ chơi bóng đá. Quyết định đó đã thay đổi trận đấu.”

 

Còn cầu thủ “bất trị” Joey Barton viết: “Nếu bạn nghĩ đó là một quả penalty thì một bạn là người Pháp, hai là bạn chưa bao giờ chơi bóng đá. Quyết định đó đã thay đổi trận đấu.”

Công nghệ VAR (Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video) đã được Hiệp hội Bóng đá quốc tế thông qua vào năm 2016. World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên được áp dụng VAR.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tuyên bố: VAR làm “trong sạch bóng đá” khi xóa bỏ những tranh cãi ngoài đường biên.

Trong 64 trận đấu, công nghệ VAR được trọng tài sử dụng 19 lần. Thế nhưng có ít nhất 6 lần, kết quả gây tranh cãi. Không thể phủ nhận toàn bộ lợi ích của VAR nhưng gần 1/3 số lần sử dụng công nghệ này gây tranh cãi thì chứng tỏ chúng ta không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào VAR.

Ngày 18.8.2005, Bộ GDĐT cho biết: từ năm 2006, sẽ áp dụng phương pháp trắc nghiệm trong tuyển sinh ĐH với môn Ngoại ngữ; tiến tới thi trắc nghiệm tất cả các môn, trừ Ngữ Văn. Thời điểm đó, TS. Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT lí giải: Phương pháp thi trắc nghiệm đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng cao hơn trong quá trình thi và chấm thi.

Đã nhiều lần Bộ GDĐT khen ngợi hiệu quả phương pháp thi này; khẳng định quy trình, công nghệ chấm thi trắc nghiệm tuyệt đối nghiêm ngặt. Ấy vậy mà, lạ thay, chỉ một cán bộ lại có thể “hô biến” kết quả của những 330 bài thi. Thậm chí, người ta lo ngại rằng, chẳng riêng Hà Giang, có thể một số tỉnh thành khác trên cả nước cũng xảy ra sai phạm nghiêm trọng này.

Công nghệ VAR

 

Công nghệ VAR, công nghệ chấm thi trắc nghiệm là sản phẩm của thời đại 4.0 để khắc phục những lỗi lầm, sai phạm của con người. Nhưng cũng chính con người lại tận dụng công nghệ để làm ra những điều xấu xí.

Chung quy lại, để khách quan, để công bằng, để trong sạch, chúng ta phải nhận lỗi và thay đổi con người chứ không phải đổ lỗi hay kiên quyết thay đổi công nghệ. Đừng để công nghệ trở thành công cụ cho tâm địa bất lương hoành hành, phá hỏng niềm tin trong xã hội này.

(Theo Lao dong)