Có một xứ sở bổ nhiệm “đúng quy trình” và cho ra đời khái niệm “nâng đỡ trong sáng”
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thảo luận và thông qua phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 có mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá “kiểu mẫu” về mọi mặt.
Thế nhưng, mảnh đất màu mỡ này lâu nay lại không kề có kết quả kiểu mẫu như mong muốn, mà trong mảnh đất đó những “cây hoang dại” cứ tự do ngang nhiên mọc và ngày càng lấn át những cây thơm, trái ngọt khác.
Phải chăng Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu? Hay đang chờ đợi đến năm 2020, sẽ bị Ủy ban kiểm tra Trung ương “dọn sạch” và cho vào lò một thể? Khi mà mảnh đất này luôn có những sai phạm.
Thanh Hóa – vùng đất của “bổ nhiệm đúng quy trình” và “nâng đỡ trong sáng”
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi hôm nay nghe tin Thanh Hóa có “thu phí nuôi bò”, nạn phí bảo kê máy gặt nông nghiệp, cán bộ ăn chặn tiền của thương binh, mỗi hộ dân một xã nhưng phải đóng hơn 20 loại phí mỗi năm… và đặc biệt là những vụ bổ nhiệm “đúng quy trình” đều có kết thúc êm đẹp và khái niệm “nâng đỡ trong sáng” được ra đời bởi chính những lãnh đạo đứng đầu của tỉnh.
Sau những vụ việc đầy bất bình khác nhau, thì những ngày gần đây, lại rộ lên thông tin Thanh Hóa chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm với giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước sự việc khi về hưu đã bổ nhiệm tới 19 cán bộ sai quy trình.
Thật không thể ngờ được, trước khi “hạ cánh an toàn” thì ông Lê Như Tuấn nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa lại có thể thực hiện một “chuyến tàu vét” kéo dài đến vậy.
Sở NN&PTNN Thanh Hóa nơi 19 công chức, viên chức được bổ nhiệm sai quy trình
Nhất là khi trong số 19 viên chức, công chức được bổ nhiệm sai quy định này thì có cả những người giữ cương vị lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc sở, thậm chí cả những vị trí quan trọng của cơ quan Nhà nước. Rồi thời điểm bổ nhiệm những cán bộ thiếu tiêu chuẩn diễn ra cách thời điểm ông Tuấn sắp hết quyền lực không lâu. Điều này đã khiến dư luận không khỏi nghi ngờ và đặt ra câu hỏi, tại sao ông Lê Như Tuấn lại bổ nhiệm sai và sai nhiều đến vậy? Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng cán bộ của tỉnh như thế nào? Liệu họ có đủ trình độ tiếp dân? Và động cơ của ông Tuấn là gì?
Thậm chí, ông Lê Như Tuấn lại có hành động “đi vào vết xe đổ” của ông Ngô Văn Tuấn – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh này – mất chức khi giữ cương vị giám đốc sở Xây dựng vì nâng đỡ “không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Ông Lê Như Tuấn đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1990) một cách “thần tốc” vào vị trí kế toán trưởng của Sở này. Cụ thể, sau thời gian hợp đồng (4 tháng), thử việc ở Phòng hành chính tổng hợp – Chi cục bảo vệ thực vật Thanh Hóa (11 tháng). Thì đến ngày 29/8/2014, ông Tuấn đã ký quyết định tiếp nhận bà Thảo về công tác tại vị trí Văn phòng Sở từ ngày 01/09/2014.
Sau đó 1 tháng, ông Tuấn lại tiếp tục ký quyết định công nhận hết thời gian tập sự, bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên với bà Thảo và cũng ký quyết định giao cho bà Thảo phụ trách kế toán cơ quan Sở NN&PTNT Thanh Hóa một năm. Sau 1 năm, ông Tuấn đã ký tiếp một văn bản quyết định bổ nhiệm bà Thảo làm kế toán trưởng của Sở từ ngày 01/10/2015 với thời hạn 5 năm.
Phải chăng ông Lê Như Tuấn đã dự tính được rằng khi mình hạ cánh tức là có thể an toàn? Bất chấp những hành động đầy “mạnh tay” của Trung ương, của Ủy Ban kiểm tra Trung ương và sự quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Không thể “giơ cao đãnh khẽ” bỏ mặc quy định kỷ luật của Trung ương
Việc ông Lê Như Tuấn – nguyên Giám đốc Sở NN&PTNN Thanh Hóa bổ nhiệm 19 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình và có dấu hiệu nâng đỡ không trong sáng là một việc rất cần được Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ sai phạm, cũng như trách nhiệm cá nhân. Để những cá nhân sai phạm thực sự phải bị kỷ luật, “tâm phục khẩu phục” và còn thực sự có thể răn đe, tránh các tiền lệ cho phía sau.
Vì sự ích kỷ và lòng tham cá nhân mà đưa những cán bộ, công chức thiếu năng lực, thiếu tiêu chuẩn lãnh đạo vào trong bộ máy nhà nước. Thì điều này sẽ có thể khiến con số hơn 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đo, tối cắp ô về” và ăn bám nguồn ngân sách hạn hẹp sẽ có thể tăng cao hơn thế.
Hơn nhất, là liệu 19 con người này có đủ trình độ lý luận chính trị trước Đảng, đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, trình độ và học vấn trước dân, để có thể giải quyết công việc của địa phương một cách “thấu tình đạt lý”, đúng là “công bộc của dân”?
Thông báo Kết luận số 689 ngày 14/12/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và sau đó Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phải ra tiếp văn bản ngày 30/5/2018, nhắc nhở lại thông báo của Ban thường vụ gửi Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Yêu cầu Đảng ủy Ban Giám đốc Sở NN-PTNT phải kiểm điểm rõ người, rõ việc, có hình thức cụ thể, tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm bị sở và ông Tuấn này thách thức?
Sự việc này phải đến tận ngày 15/06, khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đình Xứng ký quyết định yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai. Nhưng tại sao một hành động có mức phạm nghiêm trọng đến thế mà quyết định chỉ đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan”?
Trong khi đó, để ngăn ngừa những điều này, trước đó tháng 04/2018 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – Trần Quốc Vượng đã ký ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW, về hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Trong đó, Khoản 2, Điều 1 trong hướng dẫn quy định xử lý Đảng viên vi phạm sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, như sau:
“Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này”.
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, thì cũng được quy định tại khoản 3, Điều 2, như sau:
“Khi xem xét, xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”
Như vậy, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Thanh Hóa cần phải căn cứ Nghị quyết Nghị quyết Trung ương 4 về công tác tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm và Nghị quyết 26 về công tác cán bộ,…để xử lý các cá nhân, tập thể có biểu hiện làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm trong sạch bộ máy, tạo niềm tin cho nhân dân và củng bố uy tín tổ chức Đảng của tỉnh Thanh Hóa.
(Theo Bút danh)