Chuyện nâng điểm: Đừng đánh đồng, quy chụp!
Bê bối nâng điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và nghi vấn ở một số địa phương khác như Lạng Sơn, Hòa Bình… đang làm dư luận cực kỳ quan tâm với nỗi đau tột cùng. Trong nỗi đau đó, có sự nghẹn ngào của rất nhiều thầy cô giáo, người người trực tiếp “bòn” từng con chữ cho học trò.
Vì thế “Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị…” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí chiều ngày 24/7.
Nâng điểm và gian lận thi cử – chuyện không chỉ riêng giáo dục Việt Nam
Phải nói rằng, chuyện gian lận thi cử là vấn đề tiêu cực tồn tại của ngành giáo dục ở bất kỳ quốc gia, khu vực nào trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam.
Gần đây, Cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ông Sano Hitoshi, 58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Chính sách khoa học và học thuật, Bộ Giáo dục và Khoa học vì nghi ngờ ông này có liên quan đến vụ việc gian lận thi cử.
Theo đó, sau kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ nhất diễn ra vào tháng 2 vừa qua, con trai ông Hitoshi đã đỗ trường Đại học Y khoa Tokyo với số điểm 3 môn Toán, Vật lý và tiếng Anh khá cao. Tuy nhiên, Cơ quan Thanh tra đặc biệt Tokyo phát hiện kết quả thi của nhiều học sinh đã được sửa và tăng điểm số, trong đó con trai của vị cựu Cục trưởng cũng được tác động để điểm số cao hơn.
Đặc biệt, trong danh sách những người có liên quan trong việc vụ gian lận thi cử này còn có nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Tokyo. Hiện tại, cả ông Hitoshi, nguyên Hiệu trưởng và những người có liên quan đã thừa nhận hành vi gian lận của mình và sẽ chính thức bị khởi tố trong thời gian tới.
Một hình thức gian lận khác trong các kỳ thi đó là nhờ sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ như điện thoại di động, đồng hồ thông minh và tai nghe “ẩn”. Cụ thể:
Tại Trung Quốc, trong cuộc thi kiểm tra năng lực để cấp bằng trong ngành Y toàn quốc diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, 2017, nhiều thí sinh đã gian lận bằng cách đeo tai nghe nhỏ để nhận đáp án trắc nghiệm từ bên ngoài. Đây được xem là bê bối thi cử lớn nhất trong lịch sử ngành Y dược Trung Quốc.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, tại hội đồng thi tỉnh Thiểm Tây, tổng số thí sinh gian lận chiếm đến 1/10 trên tổng số hơn 25.000 thí sinh cả tỉnh.
Tại Anh, một thống kê cho thấy, ngày càng có nhiều sinh viên đại học Anh đang gian lận. Dữ liệu thu được của tờ Guardian cho thấy, trong vòng 4 năm, từ 2012 – 2016, các trường hợp gian lận liên quan đến công nghệ đã tăng 42%.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát hiện ra các thiết bị này là rất khó. Thomas Lancaster, phó giáo sư tại Đại học Staffordshire và một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về gian lận, nói: “Những con số thống kê chỉ cho thấy tỷ lệ sinh viên gian lận bị phát hiện. Số chưa bị phát hiện còn rất nhiều”.
Kể cả đại học hàng đầu như Harvard của Mỹ vẫn có thể có gian lận, nhưng quan trọng là họ luôn đề cao và hướng tới sự công bằng, luôn tìm cách để chặt chẽ hơn, sẵn sàng trừng phạt để hướng tới liêm chính trong giáo dục và học thuật. Họ không thỏa hiệp. Đó là điểm mấu chốt..v..v.
Bệnh thành tích, vụ lợi của một số địa phương
Sự vụ xảy ra ở Hà Giang, Sơn La càng minh chứng, đây không phải đây là trường hợp cá biệt trong xã hội hiện nay, mà nó đã trở thành hiện tượng phổ biến trong ngành giáo dục. Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là do chúng ta đang sống trong một môi trường đang quá trọng thành tích, vị thành tích không dựa trên thực lực thì sinh ra dối trá.
Liên quan đến chuyện nâng điểm này, có người không ngần ngại đặt vấn đề: “Với một tỷ lệ tốt nghiệp PTTH luôn trên 90% (thậm chí có năm gần 100%) và điểm tổng kết của năm lớp 12 lại được tính gộp vào điểm tốt nghiệp trung học thì liệu có cần thiết phải có một kỳ thi tốt nghiệp khi chúng ta đều biết tất cả sẽ tốt nghiệp và sẽ có cả trường hợp được nâng điểm vì được thầy cô thương mến và được nâng điểm một cách hoàn toàn không vụ lợi”.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan hơn, không thể vì một số sai phạm, mặt trái từ một bộ phận, hay từ xuất phát từ tư tưởng cục bộ địa phương mà cho rằng lỗi do cả hệ thống giáo dục.
Chẳng phải, trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm. Tổ công tác đã làm việc ngày đêm để đưa ra được kết luận nhanh chóng và chính xác nhất.
Thậm chí, đích thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy chế và quy định của pháp luật đấy sao? Việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm sẽ có tác dụng trong việc răn đe đối với những người tham gia trực tiếp vào các khâu của kỳ thi những năm tiếp theo.
Song song, công tác kiểm tra một số tỉnh, khu vực có nghi vấn gian lận điểm thi cũng được tiến hành. Kết quả là Hòa Bình, Lạng Sơn, Kon Tum, Bến Tre..v..v…không có dấu hiệu tiêu cực. Nó phần nào cho thấy, đây chỉ là chuyện cục bộ của các địa phương. Có thể vì thành tích, cũng có thể vì lợi ích nhóm mà thôi.
Bên cạnh đó, những ai có tư tưởng “đánh đồng” lỗi hệ thống này cũng nên hiểu rằng: Một năm, biết bao nhiêu giáo viên trên khắp lãnh thổ Việt Nam phải còng lưng dạy. Chỉ cần học trò nói em muốn thi vào an ninh, công an… thì bất kể ngày, đêm, lúc nào học trò cần là giáo viên đều sẵn sàng.
Để rồi khi kết quả thấp, biết bao giáo viên phải gánh chịu búa rìu từ dư luận, nếm trải sự đay nghiến, khiển trách từ cấp quản lý (Trường, Sở…). Họ đã dốc sức nhưng những câu hỏi “tại sao nhà trường đã tạo điều kiện mà dạy điểm thấp thế?”, hay “tại sao các tỉnh khác điểm cao thế?”… như lưỡi dao xuyên thẳng trái tim người dạy. Chính bản thân người viết từng kinh qua công tác giảng dạy hệ Trung cấp, Đại học nên cũng ít nhiều thấu hiểu được áp lực thành tích của các Trương Phổ thông.
Chỉ thương, rất thương cho những em học thật thi thật, nếu sự việc không bị phanh phui thì công bằng nằm ở đâu? Và buồn cho chính cả những em được nâng điểm, có thể các em cũng là nạn nhân của người lớn và rồi, các em sẽ vào đời như thế nào với sự nâng đỡ, dối trá đó?
Việc nâng điểm này không chỉ gây ra những hậu quả đơn thuần cho một địa phương mà tác động rất lớn đến dư luận của cả nước. Nếu sự việc này không được phát hiện, thì rõ ràng những bài thi lệch điểm ở Sơn La, Hà Giang đã làm thay đổi kết quả thực trong kỳ tuyển sinh của nhiều trường có các thí sinh ấy đăng ký đầu vào. Nó gây ra sự xáo trộn giữa việc đậu thành rớt, rớt thành đậu trong tuyển sinh tại không ít trường.
Thế mới nói, cái mất mát lớn nhất của sự dối trá này là sự mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm công tác giáo dục, vào sự trong sạch của một môi trường cần sự mẫu mực. Đây là sự mất mát không bao giờ bù đắp và hàn gắn được. Đồng thời, cướp đi cơ hội vào Đại học của hàng trăm học sinh học hành tử tế, thi cử bằng chính sức lực của mình.
Hơn nữa, những người được nâng rồi đến lúc nào đó họ cũng nâng tiếp cho người khác vì họ đâu thấm thía được giá trị của nỗ lực phấn đấu. Nhân tài “rởm” hiển nhiên sẽ chẳng có cống hiến hữu ích cho đất nước. Khổng Tử đã nói rồi, “danh bất chính ngôn chẳng thuận, ngôn chẳng thuận sự bất thành”.
Chính vì vậy, ngay lúc này, Bộ GD&ĐT cần quyết tâm, quyết liệt, cứng rắn. Tỉnh nào có sai phạm thì cho rà soát hết, cần thì cho thi lại, hoặc thậm chí thi lại trên phạm vi toàn quốc. Đó là những việc làm cần thiết, bởi công bằng, công lý phải được thực thi, và niềm tin của thế hệ trẻ vào công lý phải được phục hồi.
Có như thế mới triệt tiêu, dẹp bỏ được một số tư tưởng của một số cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sai phạm của một vài địa phương mà quy chụp, đánh đồng, phỉ báng cả một hệ thống, truyền thống giáo dục được gây dựng qua hàng thập kỷ .
(Theo But Danh)