Chùa Ba Vàng “tu tập hồi hướng có thể hóa giải nạn dịch virus corona”: Kiếm chác trên tính mạng con người?
Sự kiện về sự lan truyền của coronavirus (nCoV) tại Trung Quốc và nhiều quốc gia đang khiến toàn thế giới lo ngại. Giữa muôn trùng của thông tin và sợ hãi, trụ trì chùa Ba Vàng đăng tải thông tin về chương trình “Tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona”. Trong đó, ông Thích Trúc Thái Minh khẳng định” “…mọi thiên tai, dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là việc phá diệt Tam bảo, hủy hoại Phật pháp”.
Những tuyên bố có phần quá… tham vọng nói trên nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của cộng đồng mạng và hiển nhiên bị chỉ trích dữ dội. Cùng lúc đó, với phong thái quản lý thông tin một cách triệt để, chính quyền địa phương nhanh chóng can thiệp. Trao đổi với phóng viên của báo Thanh Niên, một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí cho biết, địa phương này đã bố trí lực lượng chức năng giám sát chùa Ba Vàng để đảm bảo chùa này hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Riêng vị Phó Trưởng ban – Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – cũng cho biết Giáo hội cùng các ban, ngành, chính quyền địa phương đã yêu cầu sư trụ trì phải gỡ bỏ các nội dung, chương trình, đoạn clip trên mạng xã hội facebook và website: chuabavang.com.
Hiển nhiên, nếu chưa nói đến những cân nhắc khoa học và pháp lý, người viết hoàn toàn đồng tình với việc can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, cũng như không có phản biện gì đối với những phản ứng của cư dân mạng. Song nếu dành chút thời gian nghiền ngẫm lại, điều gì thật sự tách biệt “tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona” với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác như tu tập để tiêu giải nghiệp chướng, để lên thiên đàng, cầu nguyện để phụng sự một đức thánh nào đó, hay xin xăm, xin ấn đền thần, tìm kiếm người thân, hiểu thêm về tương lai cuộc đời mình thông qua ngoại cảm, kinh dịch… vốn vẫn đang được chấp thuận như là những hình thức thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo? Chẳng phải chúng đều dựa trên cùng một nền tảng lý luận triết học vốn chưa được khoa học kiểm chứng về khái niệm và mối quan hệ giữa nhân quả hay sao? Hay nói rộng hơn, khái quát hơn, điều gì giúp chúng ta phân biệt giữa mê tín dị đoan và tôn giáo, niềm tin tôn giáo? Hay ở khía cạnh cụ thể hơn, khi nào cộng đồng nên phản đối một phong trào, một hành vi tín ngưỡng tôn giáo; khi nào cộng đồng không nên can thiệp vào chúng?
Theo Luật Khoa Tạp Chí