Cho học sinh, sinh viên đi học lại: Mang lớp trẻ ra đánh cược, thử nghiệm

Điều trị khỏi 16 ca nhiễm nCoV chưa có nghĩa là an toàn, bởi chúng ta vẫn chưa biết rõ về ‘kẻ địch’.

TP HCM cho học sinh lớp 12 (kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) nghỉ học đến hết ngày 8/3; học sinh mầm non và phổ thông từ lớp 1-11, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, dạy thêm, kỹ năng sống nghỉ hết ngày 15/3. Học sinh, sinh viên, học viên khối giáo dục nghề nghiệp nghỉ hết tháng 3. Đến chiều 29/2, tất cả tỉnh, thành cho trẻ mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm 1-2 tuần; học sinh THPT nghỉ hết 1/3, hoặc 8/3.

Ông bà ta có câu: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Và lịch sử nước nhà chứng minh rằng kẻ thù hùng cường đến đâu, chúng ta đều có cách vượt qua khi biết rõ điểm mạnh và yếu của chúng. Nhưng hiện nay, chúng ta cũng đang đối đầu với một cuộc chiến khác, đó là chống virus corona – kẻ thù mà chúng ta chưa hiểu hết.

Corona đang hoành hành là một chủng mới, chưa từng có trên Y văn. Nghĩa là thông tin y khoa về virus này là không có. Chính vì vậy, có thời điểm, vùng lãnh thổ đã mất cảnh giác và không kịp ngăn chặn. Với kẻ thù như thế, không cách nào khác là vừa phải chiến đấu, vừa phải nghiên cứu. Chủng virus mới hoàn toàn xa lạ cho đến những ca nhiễm đầu tiên được báo cáo hơn hai tháng về trước. Gần đây, thông tin về Covid-19 được biết nhiều hơn nhưng chừng ấy là không đủ để chúng ta kiểm soát được tình trạng lây lan. Trong lịch sử, những dịch bệnh tương tự đã xảy ra, khi đó cách ứng phó khôn ngoan nhất là dựa vào thống kê và dịch tễ.

Số ca nhiễm, tử vong tại tâm dịch Vũ Hán ngày một tăng. Số người nhiễm toàn cầu cũng theo đó mà tăng lên. Có thời điểm, tưởng rằng dịch đã được kiểm soát, nhưng ngay sau đó số ca nhiễm lại tăng đột biến, số quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm lại nhiều hơn. Và đến giờ, cả sáu châu lục đều có người nhiễm Covid-19. Cách đây hơn một tuần, chỉ có Vũ Hán là tâm dịch thì giờ đây Hàn Quốc, Iran, Italia cũng có số ca nhiễm tăng chóng mặt. Số ca tử vong không chỉ gói gọn ở Trung Quốc mà có ở nhiều nước. Điều này cho thấy dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Đó là lý do mà WHO nâng cảnh báo về dịch Covid-19 lên mức “rất cao”.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống dịch của nước ta được cho là khẩn trương, quyết liệt từ những ngày đầu. Những người từ tâm dịch đã không được nhập cảnh; những người nghi nhiễm được cách ly hợp lý; học sinh, sinh viên nghỉ học… đã hạn chế sự lây lan trong nước. Việc điều trị thành công cho cả 16 ca nhiễm là nỗ lực của rất nhiều nhân viên y tế, của cả Chính phủ và ngành Y tế.

“Đổi mới” đã làm cho kinh tế phát triển, đời sống người dân tốt hơn. Nhưng có lẽ nghành Y lại ít được hưởng lợi nhất từ thành quả đó. Y tế vẫn trong tình trạng quá tải, trang thiết bị thiếu thốn. Tình trạng hai, ba bệnh nhân trên một giường bệnh, nằm cả ra hành lang, gầm giường đã trở nên quen thuộc. Ngay cả khi không có dịch, nhân viên y tế cũng đã phải gồng mình cho nền y tế nước nhà.

Không phải bác sĩ nào cũng có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, bệnh nội khoa. Chúng ta không thể bắt bác sĩ chấn thương chỉnh hình phải điều trị bệnh nhân bị nhiễm nCoV. Chỉ với hai ca nhiễm ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhân viên y tế trong bốn khoa đã phải phối hợp điều trị trong thời gian ba tuần. Với lằn ranh đỏ 1.000 ca nhiễm, chúng ta chắc chắn “sẽ vỡ trận”. Nguyên tắc xử trí trong trường hợp thảm họa là cứu những ca nhẹ trước. Và chắc chắn nhân viên y tế sẽ là những người phải gánh chịu nặng trách nhiệm nề nhất.

Điều trị khỏi 16 ca chưa có nghĩa là an toàn bởi chúng ta chưa biết rõ về kẻ địch. Lúc đầu, thời gian ủ bệnh của nCoV được cho là 14 ngày, nhưng cũng có báo cáo có thể lâu hơn. Những người nhiễm bệnh đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có thể lây lan. Điều này nguy hiểm hơn vì chúng ta ít đề phòng người không có triệu chứng. Có ai dám chắc lượng khách quốc tế không có ai trong giai đoạn ủ bệnh? Đó chính là mối nguy hiểm tiềm tàng.

Với truyền thống hiếu học, bậc phụ huynh không thể không lo lắng cho tình trạng gián đoạn học tập và còn nhiều hệ lụy khác khi con em phải nghỉ học dài ngày. Nhưng cho học sinh, sinh viên đi học lại chắc chắn là một quyết định đầy khó khăn và có cả sự đánh đổi.

Nhưng chúng ta đã cho các em nghỉ một tháng rồi, liệu chúng ta có nên tiếp tục cho nghỉ hay không? Được lựa chọn là may mắn nhưng không phải lựa chọn nào cũng là dễ dàng. Và tôi hiểu sự khó khăn trong quyết định này của những người lãnh đạo.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Định