Cát Linh – Hà Đông không hẹn ngày hoàn thành, xin khấu đầu cảm tạ chính quyền Hà Nội!

Mới mấy hôm trước, Bộ GTVT và phía Hà Nội khẳng định trong sự ngao ngán của dân rằng Cát Linh Hà Đông chỉ còn 1% công việc để hoàn thành. Thì vài hôm sau, thông tin đường sắt Cát Linh- Hà Đông được nghiên cứu kéo dài thêm 20km về phía Xuân Mai khiến nhiều người muốn tăng huyết áp, thậm chí thổ huyết.

Bởi vì chỉ mấy hôm trước thôi, Cát Linh Hà Đông được hứa hẹn sẽ hoàn thành vào năm 2020, và 1% việc còn lại của dự án chỉ là thay thế các thiết bị có sai sót; khắc phục hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc sửa chữa bảo dưỡng đoàn tàu; thủ tục nghiệm thu… 1% khối lượng công việc đó tưởng rằng ít, nhưng Tổng thầu Trung Quốc “làm mãi không xong”. Và cũng vì 1% khối lượng công việc đó, 96/97 Đại biểu Hà Nội đã không cần cân nhắc lâu, vội vàng tán thành vay Trung Quốc 98,35 triệu USD để vận hành tàu Cát Linh Hà Đông – như hứa hẹn của Chính quyền Hà Nội.

Thế nhưng, người dân nghe việc này thì tức muốn “hộc ma’u”. Bởi công trình đường sắt trên cao đã gây khá nhiều phiền toái cho người dân như tắc đường, sắt lao từ trên cao xuống, nợ công ngập đầu … giờ lại thêm 20km với tốc độ làm “siêu rùa bò” như hiện nay thì không hiểu còn chuyện gì đang đợi người dân ở phía trước.

Cứ tưởng Bộ GTVT là chủ dự án siêu rùa bò, siêu đội vốn này. Nhưng hôm rồi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói rõ: “Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai, Bộ không họp bàn gì về dự án này. Đây là quy hoạch của Hà Nội”.

Vậy là dù Bộ GTVT nhiều lần bị dân chửi vì rước Trung Quốc về làm công trình ô nhục Cát Linh Hà Đông, nhưng đứng sau quy hoạch, chủ trương lại là ông chính quyền Hà Nội. Thế mới lý giải được vì sao Hà Nội sốt sắng vay thêm Trung Quốc gần 100 triệu đô để hoàn thành 1% dự án, rồi nay kéo dài dự án từ 13 km lên thêm 20km nữa, nâng tổng chiều dài dự án lên 34km để mặc sức “làm giá”, kéo dài thời gian đến vô định rồi dễ ngồi trên đầu dân hưởng thụ.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông chỉ vẻn vẹn có 13km mà người dân mòn mắt 10 năm vẫn chưa đưa vào hoạt động, vậy mà nay muốn kéo thêm 20 km ư? Bởi vì 1% dự án không thể hoàn thành, nên người ta kéo dài thêm để có cớ bòn rút ngân sách, có cớ vay tiền Trung Quốc sao? Thêm 20km nữa để cuối thế kỷ mới xong ư? Thật không thể dùng trí tưởng tượng của một người bình thường để lý giải những dự tính của các quan Hà Nội.

Cũng có người cho rằng, xét cho cùng thì việc kéo dài thêm tuyến đường này rất… có lý, đằng nào người dân cũng đã đợi dự án này 10 năm nay, giờ đợi thêm nữa để có 20km nữa nối vào cũng có đáng là bao.

Nhìn dưới góc độ tích cực, thì đường sắt Cát Linh- Hà Đông rõ ràng đã trở thành “đặc sản” của riêng Hà Nội, không có một thủ đô nào khác trên thế giới có được (vì chẳng có ở đâu mà 14km đường sắt lại được làm lâu kỷ lục đến thế), thế thì nhân cơ hội này, chúng ta dấn lên làm cho ra tấm ra món, để con cháu đời sau có cái nở mày nở mặt với thế giới.

Còn chuyện đội vốn mà nhiều người lo ngại cũng có hề gì. Chúng ta đã được “tôi luyện” với việc đường sắt Cát Linh- Hà Đông đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng, 8 lần vỡ kế hoạch và đến nay vẫn chưa về đích, cũng chưa hẹn ngày về đích mà người dân thủ đô còn chịu đựng được. Thế cho nên việc nối dài thêm tuyến đường này 20km nếu có điều gì chưa hoàn hảo xảy ra, người dân cũng sẽ hoàn toàn không có gì bất ngờ hay ngỡ ngàng nữa.

Nói đi nói lại, những lợi ích mà tuyến đường này mang lại cho người dân thủ đô suốt 10 năm nay đã rõ, thứ nhất là họ được rèn luyện tính kiên nhẫn, tính chịu đựng; thứ hai là họ được hiểu hơn ai hết thế nào là chuyện “công trình đội vốn, vỡ tiến độ”, và ; thứ ba là họ được có thêm một niềm hy vọng kéo dài theo năm tháng. Bởi cứ mỗi năm, chủ đầu tư lại hứa hẹn “một ngày x tháng y năm z nào đó”, tuyến đường sắt được đưa vào hoạt động, thế là người dân lại tiếp tục nuôi hy vọng.

Ở đời, sống mà có niềm hy vọng để chờ đợi và hướng tới, không phải dễ đâu thưa quý vị. Để có được sự rèn luyện này, có lẽ chúng ta phải kính cẩn dập đầu bái lạy các quan Hà Nội, các bạn ạ!

Tâm Bão