Thật ngán ngẩm: Chêch lệnh vốn đầu tư không là bao, nhưng lợi nhuận hợp nhất của E'VN 20 năm mới bằng 1 năm của Samsung

Tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đăng kí hơn 17 tỉ USD, trong đó riêng Samsung Electronics chiếm 9,5 tỉ USD. Năm 2009 Samsung có nhà máy đầu tiên thì giờ đã có 4 nhà máy. Doanh thu năm 2019 đạt 1,58 triệu tỉ đồng (~68 tỉ USD) và lợi nhuận ~104 nghìn tỉ đ (~4,5 tỉ USD). Khoảng 90% sản lượng của Samsung là dành cho xuất khẩu (bằng ~1/4 kim ngạch xuất khẩu hiện giờ).

Theo chính sách thu hút đầu tư, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp công nghệ cao) và được miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Không có công bố thông tin cụ thể, nên không biết số thuế thu nhập Samsung nộp năm 2019 là bao nhiêu. Samsung Thái Nguyên nếu có nộp thì cũng đang trong thời gian chỉ phải nộp mức 5%.

Cho đến hiện nay, công ty mẹ E'VN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có vốn đầu tư 198 nghìn tỉ đ, nếu tính theo tỉ giá bây giờ thì cũng chẳng kém vốn của Samsung. Ngoài ra, chỉ tính vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng là khoản rất khủng ~220 nghìn tỉ đ. Tính cả tập đoàn thì khoản nợ này là 360 nghìn tỉ đ. Vốn lớn, nợ lớn, doanh thu hợp nhất E'VN 2019 ~340 nghìn tỉ đ, lợi nhuận sau thuế chỉ ~6.820 tỉ đ. Với 82% lợi nhuận hợp nhất thuộc lợi ích công ty mẹ thì lãi 20 năm mới bằng 1 năm của Samsung.

Thu hút đầu tư nếu là thu hút vốn, thì trường hợp như Samsung lợi nhuận chỉ 3 năm đã thu hồi vốn. Nếu là thu hút công nghệ để học tập, thì VN không có nền tảng gì để có thể hấp thu (khác hẳn trường hợp TQ họ chỉ cần 20 năm để vươn lên mạnh mẽ). Nói công nghệ cao thì là sản phẩm công nghệ cao, chứ công đoạn lắp ráp không phải là đại diện của công nghệ. Công bằng mà nói thì họ có sản phẩm nên có thị trường. Ta dành cho họ cả thị trường trong nước hàng nhiều tỉ USD và họ có thị trường xuất khẩu rộng lớn nên mang lại công ăn việc làm cho số lượng lớn nhân công.

Hiện Samsung đang sử dụng khoảng 160 nghìn lao động. Nếu chi phí tiền lương cho lao động VN giả sử 5.000 USD/năm và nếu ở chính quốc họ phải trả 20.000 USD/năm thì khoản chênh lệch sẽ là 15.000 x 160.000 = 2,4 tỉ USD. Nếu chênh lệch thực tế là lớn hơn thì lãi hơn nữa. Nhân công rẻ chính là yếu tố làm nên lợi nhuận hấp dẫn khi doanh thu có quy mô rất lớn. Ngoài ra, địa phương có dự án đầu tư còn có nhiều chính sách ưu đãi khác nữa như chi phí thuê mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng thật tốt về giao thông, điện, nước, xử lí nước thải.

Lợi nhuận lớn nhưng doanh nghiệp FDI được ưu đãi chỉ thực hiện nghĩa vụ thuế bằng 1/2 doanh nghiệp trong nước, lại được miễn giảm trong thời gian rất dài. Sau một thời gian hoạt động, nhà máy nếu được xây dựng ở địa phương khác lại được hưởng ưu đãi từ đầu. Chưa kể đến địa phương khác lao động lại được tuyển mới, trẻ khoẻ và mức lương ban đầu cũng thấp. Người lao động cũ hết tuổi sung sức thì đến đâu hay đến đấy. Các tỉnh của ta thật bé nhỏ nhưng thành tích và lợi ích mang tính địa phương nên đua nhau ưu đãi.

Doanh nghiệp trong nước như E'VN vốn trong nước bỏ ra, vay nợ nhiều, lãi thì phải nộp thuế 20%, khấu hao nếu trả gốc vay thì đầu tư mới lại phải đi vay. Giờ sản lượng điện nếu mỗi năm nhu cầu tăng thêm 5% thì tương đương phải xây thêm một nhà máy thuỷ điện Sơn La (cỡ hơn 60 nghìn tỉ đ) hoặc nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ. Giá điện VN chỉ bằng 70% của Indonesia, 64% Hàn Quốc và Thái Lan, 44% Singapore, 37% Philippines, 27% Nhật Bản. Cứ chê trách E'VN mà sao điện của ta rẻ vậy.

Các doanh nghiệp được hưởng điện giá rẻ thì càng thêm lãi. Những loại hình sản xuất tiêu thụ nhiều điện thì VN quả là hấp dẫn. Những ngày nắng nóng này nhiều vùng dân cư bị quá tải cũng phải cắt điện dành cho sản xuất. Xét cho cùng, nhà nước phải thu được mới có nguồn chi tiêu. Chi tiêu phải có tỉ lệ nào đó cho đầu tư phát triển thì mới có cơ sở hạ tầng làm thay đổi bộ mặt đất nước. Thu không đủ chi, chi lại phần lớn chi thường xuyên thì thật lo ngại. Thu khu vực này ít thì phải tăng thu khu vực kia, chứ nhà nước lấy đâu ra để cho và ưu đãi. Thuế phí đánh vào dân nhiều thì sức mua càng thấp.

Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) thành lập năm 1989 và năm 1995 thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến giờ đã 30 năm thu hút FDI. 30 năm là thời gian đủ dài để các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và TQ cất cánh vô cùng mạnh mẽ. Sau 30 năm nếu các doanh nghiệp FDI rời cuộc chơi thì ta cũng chưa kịp tự làm gì. Ta kém cỏi thì chờ sung vậy, nhưng những quả sung ít ỏi ta tự kiếm được lại cho đi thật không công bằng như trường hợp của E'VN. Nếu ưu đãi bằng các nguồn lực giá rẻ bao cấp thì sao thuế thu nhập lại còn ưu đãi nữa. 30 năm ta không tự làm được mấy thì không có gì đảm bảo 30 năm nữa ta có những khác biệt rõ rệt. Chỉ cần một câu hỏi lấy gì để có nguồn điện tăng thêm mỗi năm chỉ 5% thôi cũng thật khó trả lời.

FB: Ngo Van Tuyen