Nhà máy nhiệt điện An Khánh – dự án hợp tác với Trung Quốc: Đi ngược Nghị quyết của Bộ Chính trị?
Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang có công suất 100MW. Tháng 10/2016 nhà máy này được phép điều chỉnh nâng công suất lên thành 650MW. Việc đầu tư nhà máy nhiệt điện than thời điểm này có ‘đi ngược’ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị?
Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang là dự án hợp tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2021.
Có lộ trình giảm tỷ trọng điện than
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra ngày 11/2 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Phần quan điểm chỉ đạo của nghị quyết ghi rõ: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…
Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia. Ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý…”.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nhấn mạnh ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo và đề ra kế hoạch dần thay thế nhiệt điện than. GreenID cho rằng, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang với công suất lên đến 650MW không phù hợp để triển khai vào thời điểm mà thế giới đã quay lưng lại với điện than.
Thế giới đã và đang chuyển dịch nhanh sang năng lượng tái tạo, ưu tiên bảo vệ sức khỏe con người. Thực tế dự án cũng đang gặp khó khăn trong việc vay vốn. Bài học từ đại dịch Covid-19 toàn cầu cho thấy càng phải có nhiều nỗ lực để kiểm soát rủi ro đối với không khí và các tác động ảnh hưởng tới hệ hô hấp, hơi thở, sự sống.
“Xét về tính ưu tiên, khu vực bị thiếu điện là ở miền Nam chứ không phải miền Bắc. Dự án này đặt ở gần trung tâm vải thiều của cả nước cũng là một rủi ro cần phải được đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng tôi cho rằng, chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang cần cẩn trọng đánh giá lại dự án này. Xem xét kỹ lưỡng lợi ích, chi phí dự án cân đối lợi ích kinh tế, xã hội của địa phương. Bắc Giang đã trở thành thủ phủ sản xuất các thiết bị năng lượng Mặt trời, đây là lựa chọn tốt hơn phát triển điện than”, đại diện GreenID cho hay.
Bà Khanh cũng cho biết, trên thực tế Dự án Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang hiện vẫn chưa đi vào xây dựng các công trình chính, được biết lý do chính là chưa thể thu xếp được vốn. Trước đây, dự án chỉ mới xây một số công trình phụ trợ. Lý do của việc chưa thu xếp được vốn là do dự án không được bảo lãnh vốn vay của Chính phủ, nên các nhà đầu tư nước ngoài thấy rủi ro cao và không mặn mà. Tuy nhiên, có một số nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đầu tư cho dự án mà không yêu cầu cao như các nhà đầu tư khác.
Mọi công nghệ nhiệt điện đều ô nhiễm, độc hại
“Nếu so với công suất của hầu hết các nhà máy mới đang vận hành và xây dựng thì công suất của Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang chưa phải là quá lớn. Tuy nhiên dù công suất là bao nhiêu thì tác động của các nhà máy nhiệt điện đến môi trường và sức khỏe là rất lớn. Cụ thể so với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, có công suất 600 MW, cùng công nghệ với Dự án Nhiệt điện An Khánh. Hàng năm nhà máy sẽ tiêu thụ lượng than là khoảng 1,62 triệu tấn/năm và tổng lượng tro xỉ và thạch cái của nhà máy thải ra khoảng 577.140 tấn/năm.
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ gây ra các tác động tới không khí do bụi, khí thải. Nó cũng tác động tới nguồn nước do nước làm mát, nước thải. Nó còn tác động tới đất do bãi chôn lấp tro xỉ. Theo thông tin thu được, nhà máy thải tro xỉ khô (vận chuyển tro xỉ từ nhà máy ra bãi thải bằng ô tô, khác với thải xỉ ướt là trộn tro xỉ với nước rồi bơm ra bãi thải). Việc thải tro xỉ khô sẽ có nguy cơ phát sinh thêm 1 lượng bụi rất lớn khi vận chuyển tro xỉ ra bãi xỉ nếu không được quản lý tốt”, bà Ngụy Thị Khanh cho hay.
Hiện có công nghệ nào tiên tiến để có thể khắc phục ô nhiễm từ các nhà máy điện than ở Việt Nam hay không, nếu triển khai các dự án về nhiệt điện? Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID cho hay, nhiệt điện than sử dụng than để đốt lấy nhiệt đun nước thành hơi để quay tua bin phát điện.
Một góc trung tâm điện lực Vĩnh Tân – gồm 5 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Ảnh: IT
Khác với tua bin khí sử dụng khí đã lọc sạch các chất độc hại trước khi đốt, than sử dụng trong nhiệt điện là chất rắn. Do vậy không thể “lọc” hết chất độc hại trong than như lưu huỳnh, kim loại nặng trong than được. Trước khi đốt, than được nghiền nhỏ để dễ cháy. Vì vậy sản phẩm sau khi đốt có chứa nhiều bụi (đặc biệt là bụi PM2.5 rất độc hại cho sức khỏe) và các chất độc hại như SO2, NOx…
Trên thế giới, công nghệ nhiệt điện than gồm công nghệ cận tới hạn (sub critical, SubC), siêu tới hạn (super critical, SC) và trên siêu tới hạn (ultra suuper critical, USC). Công nghệ áp dụng tại các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam chủ yếu là cận tới hạn (sub critical). Chỉ có 2 nhà máy áp dụng công nghệ SC và chưa có nhà máy nào áp dụng USC.
Công nghệ càng cao thì tiêu thụ than càng giảm. Do đó, nó cũng phát thải bụi PM2.5, SO2 và NOx ít đi. Tuy nhiên khi sử dụng công nghệ cao hơn, ví dụ từ công nghệ SubC lên SC, tiêu thụ than giảm khoảng 5% đến 7% nhưng chi phí tăng từ 10% đến 15%. Do vậy giá điện sẽ tăng lên mà vẫn không giảm nhiều được ô nhiễm. Tóm lại không có công nghệ tiên tiến nào khắc phục ô nhiễm từ các nhà máy điện than.
Ngày 30/12/2019, các liên minh của tổ chức xã hội – nghề nghiệp gồm Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Nhóm Công lý, môi trường và sức khỏe; Liên minh truyền thông và quyền của những người dễ bị tổn thương, Mạng lưới sông ngòi, Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.
Tuyên bố đồng tình cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới, dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh. Các liên minh đã nhấn mạnh về nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh tại Việt Nam. Cần tập trung các nguồn năng lượng mới có thể thay thế bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Nguồn GD&TĐ