Bấm điện thoại sau khi tông chết dân, Trưởng Ban Nội chính coi mạng người là gì?
Chuyện ông Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình tông chết người nhẽ ra chỉ chuyện thường khi tai nạn giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa, thế nhưng chính thái độ an nhiên như không có chuyện gì xảy ra của ông Nguyễn Văn Điều khiến người ta phải phẫn nộ, kinh hãi. Mạng người với họ nhỏ bé đến vậy, vẫn có thể bình thản lướt điện thoại khi vừa gây tai nạn giao thông chết người? Sự tự tin có thể biến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không quá quen thuộc nên họ vẫn bình tĩnh như chưa xảy ra chuyện gì?
Sau khi tông bà Ng. 63 tuổi ông Điều vẫn thản nhiên lướt điện thoại y như trong hình. Tông chết cụ bà, xe của ông Điều vẫn quyết không dừng mà lao về phía trước, tông tiếp vào một xe máy khác làm người lái xe bị văng ra lề đường rồi trọng thương. Nếu người dân không truy bắt kịch liệt “dồn ông vào đường cùng” không biết quái xế còn tông thêm bao nhiêu người.
Tình huống này nếu là dân thường cầm lái, sẽ thấy những kiểu giựt tít quen thuộc: “Kinh hoàng cảnh xe điên đâm liên hoàn khiến 1 người tử vong, 2 người trọng thương”. Nhưng không, báo chí chỉ nhẹ nhàng với dòng tít “Nghi vấn cán bộ ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình gây tai nạn rồi bỏ chạy khiến 3 người thương vong”.
Sau khi gây tai nạn, ông Điều vẫn ngồi lướt điện thoại như kiểu giải trí, thư giãn rồi cố thủ trong xe đến khi “có mặt cán bộ cảnh sát cơ động” thì mới xuống xe, bắt tay với cán bộ cảnh sát rồi được dẫn khỏi hiện trường một cách an toàn. Nếu là dân chắc khung cảnh sẽ khác, không phải là bắt tay kiểu “chào các chú, biết anh là ai không, anh mày lỡ may … chứ không cố ý”, thay vào đó là cảnh còng tay và áp giải thủ phạm về đồn.
Hình dung cảnh ông Điều bắt tay với cán bộ cũng khiến người ta phải rùng mình: hóa ra có sự thông cảm lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ? Cái bắt tay có giúp ông Điều giảm bớt tội lỗi đã gây ra? Cái bắt tay theo kiểu “xí xóa, cảm thông” chỉ làm đẩy xa khoảng cách giữa dân với cán bộ. Khiến dân cảm giác dân với dân, cán bộ với cán bộ thuộc hai tầng lớp khác nhau? Bởi vậy khi dân gây tai nạn sẽ không bao giờ có được cái bắt tay thân thiện của cán bộ như vậy?
Hiện ông Điều đã bị đình chỉ công tác để giải trình về tai nạn khiến 1 người chết, 2 người bị thương, ngày 12.5. Tuổi trẻ cho biết thời điểm trước khi gây ra các vụ tai nạn nói trên, ông Điều đã đi dự tiệc liên hoan chúc mừng một lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ mới. Tức là ông ta cho phép mình lái xe dù trong người đang nồng nặc hơi rượu.
Ông Điều với tư cách là trưởng ban nội chính đã gây tai nạn nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng thân là cán bộ thái độ coi thường tính mạng người bị tai nạn của ông khiến người đời chê trách. Tại sao ông ta không dừng xe và đưa người bị nạn đi cấp cứu, không trình báo cơ quan có thẩm quyền mà ngồi ì để người gặp nạn trong tình trạng nguy kịch. Hành vi bỏ trốn, rồi thản nhiên ngồi bấm điện thoại đã thể hiện một con người máu lạnh, vô nhân tính, coi thường pháp luật không thể chấp nhận được của ông Điều.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ án trái ngang mà cách xử đã khiến niềm tin con người ngày càng bị phai một. Ví như chuyện dân cướp 6 buồng cau bị đề nghị tới 11 năm tù, quan làm thất thoát ngân sách nhà nước 15.000 ngàn tỷ thì bị đề nghị 4 -5 năm tù. Vậy liệu người gây tai nạn chết người như ông Điều có thể tự tin biến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có được xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật?
Vụ án chấn động Hồ Duy Hải vẫn đang tu hút sự theo dõi của hàng triệu dân Việt, vụ ông Trưởng Ban Nội chính tông chết người bỗng như hạt cát bỏ biển. Cũng là cướp đi mạng người, Hồ Duy Hải nếu là thủ phạm chắc chắn sẽ y án tử hình, còn ông Điều vẫn an nhiên như vậy thì hẳn trong đầu ông đã vẽ ra đường thoát thân cho chính mình rồi chăng?
Theo Tâm bão