Âm mưu trong việc nhanh chóng thông qua dự án xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm!
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh dưới thời của ông Lê Thanh Hải, bất chấp cơ sở pháp lý thu hồi lố đất của người dân Thủ Thiêm. Tiếp đến đuổi người dân Thủ Thiêm ra khỏi phần đất sở hữu của chính họ, rồi giao đất của người dân cho doanh nghiệp mà không tuân thủ theo bất cứ cơ sở pháp lý nào. 20 năm sau, chính quyền dưới thời của ông Nguyễn Thiện Nhân đứng ra xin lỗi bà con. Lời xin lỗi chưa ráo miệng, họ nhanh chóng thông qua cái đề án nhà hát giao hưởng 1500 tỷ đồng vì dân cần và cấp bách? Xin hỏi là dân cấp bách hay quan cấp bách?
Nói thẳng cho vuông, việc dự án này ra đời chẳng qua là giải pháp chữa cháy đã được bàn tới bàn lui giữa chính quyền mới và chính quyền cũ ở TP HCM dưới sự áp lực của dư luận. Giữa việc đền bù sao cho dân bởi giờ giá đất đã quá cao, mà ngân sách thì không thể lấy, doanh nghiệp thì đã chi tiền rồi. Giữa việc đem lại công lý cho dân và việc phải lôi những kẻ đầu sọ ra để chịu tội. Một nùi lợi ích nhóm đan xen chằng chịt, đưa người này ra làm tốt thí không được, buông bỏ mặc cho dân gào cũng không xong, một bài toán vô cùng nan giản đến nỗi sau khi đứng ra chữa cháy xin lỗi dân, chạy tội cho chính quyền TP HCM cũ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đương thời đã khẳng khái thừa nhận “Không thể tùy tiện công khai ai vi phạm ở Thủ Thiêm”.
Và rồi lãnh đạo mới và lãnh đạo cũ lại tiếp tục ngồi thương thảo với nhau. Cuối cùng không biết ai nhớ ra cái Nhà hát giao hưởng có từ 20 năm trước, cho đến nay vẫn mãi nằm trên dự án. Bởi những Nhà hát thành phố, Bến Thành, Trần Hưng Đạo… đã sáng đèn hàng đêm, chật kín chỗ ngồi đâu mà phải xây thêm? Thế nhưng, trong tình huống cần kíp để trấn an dư luận và tạo ra một cú hích thông tin mới để đánh lạc hướng người dân nghèo đòi đất. Thì chỉ sau vài ngày thông tin nhà hát này được đưa ra báo chí thì cũng là lúc 100% đại biểu HĐND thông qua dự án này. Xin khẳng định lại, 100% những cánh tay đó là đại diện cho quyền lực, lợi ích cá nhân của họ chứ còn chẳng có cánh tay nào của nhân dân lọt vào trong cái hội đồng vô cảm, vui thú trên máu thịt, trên oan ức tức tưởi của đồng bào mình cả.
Lâu nay trong quá trình triển khai quy hoạch, từ những khu “đất cứng” như vướng phải đình, chùa, miếu hay những khu người dân “quyết tử để giữ đất”, thậm chí những nơi nóng như Thủ Thiêm thì có một bài gỡ rối được xuất hiện đó là xây dựng trên đó những công trình công cộng như công viên, đường sá, rạp hát, bảo tàng,… thì dân vô phương giữ được đất. Nếu để ý sẽ thấy bệnh viện, trường học đa phần đều được xây dựng từ những nền đất nhà thờ hay chùa. Những bài học về vụ Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Văn Hiến, giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội…là minh chứng rõ nhất và gần nhất về chiêu trò này.
Lại nói về việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm này, rồi đây để mà xem, bao nhiêu lâu nữa thì tương lai nó giống nhà hát hoành tráng được xây dựng tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư trên 117 tỉ đồng nhưng bỏ hoang nửa năm nay. Và rồi sau đó lại là báo cáo lỗ rồi xin chủ trương chuyển đổi công năng sử dụng. Sau khi được thông qua với 100% cánh tay đồng ý, cái nhà hát đấy nghiễm nhiên thuộc về tư nhân, mảnh đất cướp của dân được hợp thức hóa. Một quy trình quá hoàn hảo!
Các ông bà bảo rằng xây dựng nhà hát là vì dân và đã lắng nghe ý kiến của dân. Vâng nếu tính đến khoảng 16h18′ trên báo TN OL có 2932 lượt tham gia cuộc khảo sát về việc nên xây dựng đề án này không thì đã có 89% không đồng ý xây dựng. Chỉ có 9% đồng ý và 2% ý kiến khác. Vậy là đã lắng nghe và tham khảo ý kiến của dân rồi sao?
Vậy nên làm ơn đừng biện minh rằng dư luận phản đối là do chính quyền TP HCM thiếu nhạy cảm chính trị, bởi đó là tố chất cần của người làm lãnh đạo, chẳng lẽ 100% đại biểu của HĐND TP HCM đều không có nhạy cảm chính trị. Vậy thì xin chúc mừng, quý vị đã ngồi nhầm ghế!
Đừng lấp liếm hay có gắng chạy tội, có gắng cấm báo chí, hay cản miệng dư luận, điều đó chỉ làm cho người dân càng mất niềm tin về một thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước thôi. Hãy dũng cảm đem những kẻ đầu sỏ cướp đất của dân ra ngoài ánh sáng, hãy có một quyết định công tâm đối với đồng bào suốt 20 năm sống không bằng chết ở Thủ Thiêm. Hãy dũng cảm nhận lỗi đi. Đây mới là yếu tố đầu tiên của người lãnh đạo.
(Theo But Danh)