Ai sẽ bảo vệ nước mắm truyền thống của ngư dân?
Chiều ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng – TĐC (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do dự thảo vấp phải nhiều tranh cãi về tính thực tế trong suốt thời gian qua.
Thùng sản xuất nước mắm phải có màu sáng; cá nguyên liệu không được làm từ cá đã phân hủy; yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật,… Đó là một vài trong số rất nhiều các quy định khá “vô lý” và “áp bức” đối với nước mắm truyền thống được đề ra trong TCVN 1260:2019.
Thứ nhất, làm nước mắm bằng thùng màu gì chẳng được? Chum, vại, bể xi măng,… là thứ xuất hiện nhiều ở các cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ. Quy định màu sắc chẳng có tác dụng nào với chất lượng nước mắm, chỉ thấy người sản xuất quy mô nhỏ phải chịu thêm thiệt hại đầu tư, thay đổi cơ sở vật chất.
Thứ hai, nguyên liệu làm nước mắm phải là cá chưa phân hủy? Xin được nhắc đến làng nghề nước mắm nổi tiếng ở Hải Phòng – nước mắm Cát Hải. Nước mắm vùng này làm từ cá đã trong quá trình phân hủy (hiểu nôm na là cá ươn), thành phẩm cuối cùng có mùi khăm khẳm. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn bảo đảm với sức khỏe người tiêu dùng, được các Chi cục An toàn thực phẩm chứng nhận. Những sản phẩm của nước mắm Cát Hải lại rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Vậy, đặt ra tiêu chuẩn về cá nguyên liệu có giiết chhết thương hiệu nước mắm Cát Hải hay không?
Thứ ba, vô lý nhất chính là những tiêu chuẩn “trên trời” về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đối với nước mắm. Ai cũng biết, hàng chục nghìn điểm sản xuất nước mắm truyền thống trên toàn quốc đều sử dụng cá biển để sản xuất nước mắm chứ không dùng cá nước ngọt. Vậy, làm gì có thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật mà quy định tiêu chuẩn? Phải chăng, đặt ra quy định này để buộc người sản xuất tăng thêm chi phí về kiểm định, đo lường,…?
Ở một phương diện đối lập, hãy nhắc đến loại nước mắm công nghiệp sản xuất hàng loạt, tất cả những tiêu chuẩn nhắc đến ở trên đều không là trở ngại đối với loại nước mắm này vì họ có dây chuyền lớn, có vốn đầu tư cao.
Mâu thuẫn nảy sinh từ chính hiện trạng đối nghịch giữa hai loại nước mắm này. Thực tế, đã không ít lần người ta nhắc đến “cuộc chiiến không cân sức” giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp do sự áp đặt từ những quy chuẩn chỉ mang tính lý thuyết. Điển hình như vụ Asen nổi đình nổi đám hai năm về trước cũng vậy.
Thế là, dư luận xã hội gay gắt, dự thảo họp của cơ quan có thẩm quyền xảy ra tranh cãi. Nhưng tuyệt nhiên, các “nhà làm luật” vẫn cứ khăng khăng với quan điểm cần áp dụng hàng tá “tiêu chuẩn trên trời” của mình. Thậm chí, Tiến sĩ Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thuỷ sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) còn đưa ra quan điểm “tiêu chuẩn là khuyến nghị, không bắt buộc” để bảo vệ cho dự thảo TCVN 1260:2019.
Nói thế này, tiêu chuẩn đặt ra phải có ích, vẫn là một chỉ số tham khảo cho người tiêu dùng nhìn vào. Đặt ra rồi thì phải xác thực được tính khả thi của nó, đừng đặt ra bừa bãi rồi bảo “không bắt buộc” là xong tiến sĩ ạ.
Giả sử, nếu TCVN 1260:2019 được đưa ra, hàng loạt các cơ sở nước mắm truyền thống không đáp ứng được. Vậy, bao bì sản phẩm các loại nước mắm trên thị trường sẽ xảy ra tình huống, nước mắm công nghiệp có nhiều loại tiêu chuẩn do Việt Nam cung cấp; và nước mắm truyền thống thiếu tiêu chuẩn! Một người tiêu dùng trong nước thì không nói, nhưng người tiêu dùng quốc tế sẽ chọn sản phẩm nào đây? Như thế có phải là đẩy nước mắm truyền thống vào thế bị nghi ngại với thị trường? Đừng quên, cho đến hiện nay, các loại nước mắm truyền thống tại Việt Nam mới đang là thế mạnh tại các quốc gia nước ngoài.
Nghĩ một cách đơn giản và thực dụng hơn, nước mắm chỉ cần có kết quả thành phẩm an toàn với người tiêu dùng, không có thành phần độc hại đến sức khỏe là đủ. Bao nhiêu năm qua vẫn như vậy, cớ sao giờ lại thêm các tiêu chuẩn không mang tính thực thi?
Ai sẽ bảo vệ nước mắm truyền thống!
Trước nay, dự thảo pháp luật tại Việt Nam xảy ra tranh cãi là chuyện bình thường. Bởi có tranh cãi thì mới có phát triển và văn bản pháp luật được ban hành mới hoàn thiện nhất. Thế mà, dự thảo TCVN 1260:2019 lần này lại tranh cãi đầy bất thường.
Đầu tiên, nó bất thường vì đến khi dự thảo đi vào giai đoạn cuối thì người dân mới được biết. Thứ hai, nó bất thường vì khi dư luận tranh cãi, Bộ tổ chức họp báo thì chủ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng là các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống thì không ai được mời. Hôm qua, báo chí cũng đăng tải đầy rẫy thông tin một “tiến sĩ nước mắm” (bà Trần Thị Dung – nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bị mời ra khỏi cuộc họp báo. Bà Dung bị mời ra khỏi cuộc họp báo dự thảo TCVN 1260:2019 vì bà phản đối dự thảo này và nêu lên ý kiến về việc nguy cơ vụ “nước mắm nhiễm asen” lặp lại lần hai. Đáng chú ý, bà Dung cũng là người đầu tiên lên tiếng bảo vệ nước mắm truyền thồng hồi vụ nhiễm asen hai năm về trước. Thật lạ phải không?
Vậy đấy, không được mời để bảo vệ mình, người bảo vệ mình thì bị mời ra khỏi họp báo,… Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống nhờ vào ai để phản ứng lại với dự thảo TCVN 1260:2019?
Chắc còn mỗi truyền thông, còn mỗi dư luận mới có thể giúp người dân làm nước mắm truyền thống nói lên tiếng nói bảo vệ mình. Các cơ quan quản lý cấp cao, cấp Trung ương đang ở đâu?
Thiên Minh