Truyền thống văn hóa của Việt Nam là “quan” không được đi kiện “quan”?
“Không lẽ giờ “ông” Thanh tra Chính phủ lại đi kiện “ông” Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam lắm” – Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong buổi thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) của UB Thường vụ Quốc hội sáng hôm 13/7, nhiều vấn đề liên quan đến xử lý tài sản bất minh của cán bộ đã được bàn luận. Xử lý tài sản bất minh là một vấn đề vô cùng vướng mắc bởi chúng ta không chứng minh được tài sản này do sai phạm mà có nên rất khó để có thể thu hồi vì điều này sẽ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Ngược lại, nếu cứ để cho cán bộ ngang nhiên sở hữu những khối tài sản bất minh thì rất khó lòng có thể “yên lòng dân”. Khi bàn đến việc giải quyết tài sản bất minh theo thủ tục tố tụng trước tòa, nhiều băn khoăn về nguyên đơn và bị đơn được các đại biểu đưa ra. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu ra một ý kiến khiến mọi người không tranh cãi. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Không lẽ giờ “ông” Thanh tra Chính phủ lại đi kiện “ông” Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam lắm”.
Truyền thống văn hóa của Việt Nam là cán bộ không được “đi kiện” cán bộ?
Vấn đề thu hồi tài sản bất minh của cán bộ là một đề bài khó mà chúng ta đang phải đi tìm lời giải. Trong bài viết này, tôi xin không lạm bàn về việc xử lý khối tài sản này ra sao, đi theo hướng nào mà chỉ muốn chia sẻ đôi điều trước băn khoăn của Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Thi Kim Ngân.
Nói thẳng, ý kiến ông Thanh tra đi kiện ông Bộ trưởng này, lãnh đạo kia có phần không đúng truyền thống Văn hóa Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội tôi không thể đồng tình. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang ngầm thừa nhận vấn đề “luật cho dân, lệ cho quan” là sự thực. Chúng ta phải rõ ràng, ai sai người đó phải đứng ra trước pháp luật, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Mặt khác, ông Thanh tra hay bất cứ ông quan nào trong bộ máy nhà nước đều là những người đại diện cho nhân dân. Như vậy tại sao khi phát hiện sai phạm tại sao không thể “đi kiện” để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân? Chẳng lẽ chúng ta cứ phải im ỉm, cứ phải bao che cho nhau, cứ phải dung túng cho nhau mới là đúng truyền thống văn hóa Việt Nam?
Truyền thống văn hóa của chúng ta chưa bao giờ có chuyện quan không được đi kiện quan. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy vô cùng rõ ràng vấn đề này. Nếu là một người quan tâm đến lịch sử dân tộc, có lẽ không ai là không biết đến “Thất trảm sớ” của thầy Chu Văn An dâng lên vua Trần Dụ Tông để vạch mặt bảy tên gian thần và đề nghị hình thức xử lý. Dưới thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xử lý sai phạm càng được thực hiện nghiêm minh. Rõ ràng, chuyện ông Thanh tra đi kiện ông Bộ trưởng này, quan chức kia nếu phát hiện họ có sai phạm là một chuyện hoàn toàn đúng đắn và rất đáng hoan nghênh. Điều đáng sợ ở đây chỉ là chuyện các ông quan của chúng ta lợi dụng vấn đề kiện tụng để vu cáo, hãm hại, hạ bệ lẫn nhau hay không mà thội.
Trước pháp luật: Hãy công bằng và sòng phẳng
Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau. Chức vụ, vị trí trong bộ máy nhà nước không phải là lý do để người ta được ưu ái trước pháp luật. Thế nhưng chẳng biết từ bao giờ, những “chiếc ghế” trong bộ máy nhà nước đã trở thành tấm vỏ bọc vững chắc che chắn cho sai phạm, trở thành dải phân cách giữa người dân và cán bộ trước pháp luật. Chẳng vậy mà hàng loạt ông quan từ trung ương đến địa phương dù sai phạm như “con voi” nhưng trách nhiệm phải gánh chịu chỉ nhỏ như “con kiến”. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, chuyện ông Thứ trưởng đi kiện ông Bộ trưởng này, cán bộ kia lại bị coi là không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Có lẽ, chính việc xử lý cán bộ theo kiểu cho có, cho xong; chính việc các quan nhà ta cứ làm ngơ cho nhau khi biết người kia có sai phạm đã hoài thai ra truyền thống “luật cho dân, lệ cho quan”, này sinh ra chuyệ dung túng, không sòng phẳng khi các quan mắc sai phạm.
Mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến là xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đạt đến mốc giới “luật pháp bất vị thân”, “quân tử phạm pháp tội như dân thường”. Để làm được điều này, mỗi người phải có ý thức đấu tranh với sai phạm, không được dung túng cho sai phạm. Đặc biệt, với các quan chức thì tinh thần đấu tranh, vạch trần sai phạm càng phải cao hơn nữa. Chúng ta phải sòng phẳng với nhau về chuyện ai sai người đó phải chịu phạt, đừng lấy truyền thống, văn hóa hay một điều mơ hồ nào đó ra để bao che cho những sai phạm mà mình đã thực hiện.
Chỉ khi nào sự công bằng được bảo đảm thì khi đó pháp luật mới được thượng tôn. Nếu sự “phân chia địa vị” vẫn còn tồn tại trước pháp luật thì còn lâu chúng ta mới csos được nhà nước pháp quyền.
(Theo But danh)