Thay vì “xin nhận trách nhiệm”, khuyên ông Nhạ nên xin cái khác

Sáng nay, tại phòng họp Chính phủ, ông Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức nhận trách nhiệm về những sai phạm về điểm thi xảy ra tại Hà Giang, Sơn La. Thật ra, đối với những người theo dõi thông tin về những lùm xùm trong việc sửa điểm thi cả tháng nay, thì việc ông Bộ trưởng tới ngày phải xin nhận trách nhiệm, hoặc xin lỗi là điều đương nhiên. Chỉ là thời điểm và cách thức như thế nào hay thôi.

Riêng đối với tôi, một người đã và đang công tác trong ngành giáo dục cũng được hơn chục năm nay, thì việc ông Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm, xin lỗi, vì những sai phạm trong ngành của mình, là lẽ thường tình. Văn hóa xin lỗi được hình thành trong ngành giáo dục thì tức nhiên, người đứng đầu ngành phải xin lỗi là chuyện hiển nhiên.

Thế nhưng, nếu có đôi lời phải nói với ông Bộ trưởng, thì tôi phải khuyên ông ấy một điều, mà có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lạ. Là tốt hơn hết, ông đừng có đi “xin nhận trách nhiệm” như sáng nay làm gì!

Đây không phải là ý kiến của riêng tôi đâu, mà là bàn trà, cà phê sáng của cánh giáo viên chúng tôi đều có những cảm nhận như vậy. Có thể việc xin nhận trách nhiệm sẽ giúp làm dịu đi cái nóng hừng hực của dư luận đang nổi điên với ngành giáo dục. Thế nhưng, những người thật sự ngụp lặn trong ngành giáo dục như chúng tôi đây, mới thấy cái xin nhận trách nhiệm của ông Bộ trưởng, thật sự không có nhiều ý nghĩa.

Vì sao ư?

Vì xét cho cùng, ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác, chắc chỉ trừ quân đội và công an, đều là cán bộ công chức của tỉnh, chứ có phải của Bộ nữa đâu. Sự phân cấp quản lý về cho địa phương đã có từ rất lâu rồi.

“Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm. Chúng tôi đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018”, Bộ trưởng Nhạ nói trong phiên họp thường ký Chính phủ vào sáng nay 1/8.

Như cá nhân tôi đi nhé, một giáo viên quèn tại một trường cấp THPT. Mang tiếng là người trong ngành giáo dục, là lính ông Bộ trưởng. Nhưng tôi dám cá ông Bộ trưởng có tý quyền hành nào với cá nhân tôi được. Tuyển tôi vào ngạch công chức giáo dục, là do Sở Nội vụ tỉnh, căn theo đề nghị của Hiệu trưởng và giám đốc Sở Giáo dục tỉnh. Nâng lương cho tôi, cũng là do Sở Nội vụ. Muốn sa thải tôi, thì cũng là từ Sở Nội vụ. Chứ ông Bộ trưởng chẳng ký được gì có thể ảnh hưởng đến cá nhân tôi cả.

Mà đây là tôi nói bản thân mình, chỉ là giáo viên quèn thôi đấy nhé, còn các ông các bà làm quản lý giáo dục, cấp phó trưởng phòng giáo dục hoặc giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục, thì ông Bộ trưởng quên đi. Bổ nhiệm hay quản lý là do Chủ tịch tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, chứ có liên quan gì đến ông Bộ trưởng nữa đâu.

Nói thế để thấy, ông Bộ trưởng, mang tiếng là người đứng đầu ngành giáo dục, nhưng lính của anh thì do người khác quản. Khác cả cấp (Trung ương và địa phương), khác luôn cả ngạch (Giáo dục và Nội vụ).

Vì vậy, việc ông Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm vào sáng nay, như tôi và mấy đồng nghiệp nói đùa, cái đó xin rồi bỏ, chả thay đổi được gì cả. Tốt hơn, ông Bộ trưởng nên đi mà xin cái khác.

Ngành giáo dục nên là ngành bổ quyền từ trên xuống. Trực tiếp và đủ quyền hành luôn. Từ việc cỏn con, như tuyển dụng giáo viên, cho đến những việc to lớn, như cải thiện thu nhập cho toàn ngành, thay đổi tư duy giáo dục và căn bệnh thành tích.

Cá nhân tôi thiết nghĩ, việc quân đội và công an được hưởng quy chế bổ nhiệm trực tiếp, quản lý trực tiếp. Thì ngành giáo dục cũng nên được hưởng cái quyền này. Khi đất nước chúng ta đã không còn chiến tranh, thì việc giáo dục nên là ngành quan trọng nhất, hơn cả quân đội và công an. Nó là trận đánh trăm năm như Bác Hồ đã nói, thì thiết nghĩ ông Bộ trưởng, nên xin thêm quyền để trở thành tư lệnh ngành thực thụ. Chứ đừng mãi đi xin nhận trách nhiệm, rồi xin lỗi vì không quản được lính của mình, à nhầm, lính của người khác mới đúng!

(Theo butdanh)