Thầy cô ăn chặn 2,8 tỷ và chuyện học sinh ăn ve sầu

Vâng, đây là một tin chính xác: Chỉ 3 cán bộ phòng giáo dục đã ăn chặn 2,8 tỉ đồng tiền ăn trưa của học sinh. Ăn chặn, có nghĩa là ăn tất, ăn hết. Ăn đến mức không còn một xu nào để chi tiền ăn cho các cháu.

Chưa qua cơn bàng hoàng trước vụ ăn bớt của cô hiệu trưởng một trường tiểu học ở Ninh Bình thì dư luận lại muốn tăng xông khi có thêm một “quả bom giáo dục” khác chấn động dư luận: Vụ ăn bớt ở Phòng GDĐT huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Cơ quan này được giao dự toán cấp phát tiền hỗ trợ ăn trưa cho các trẻ 3, 4 và 5 tuổi. Nhưng sau khi nhận tiền, những người lãnh đạo Phòng đã dùng để mua sắm, để tiếp khách, để quà biếu… để đủ thứ để, duy nhất để chi tiền ăn trưa cho học sinh thì không.

Chi bạo đến mức chỉ còn tồn quỹ 55 triệu đồng. Tiêu phá đến độ không còn một xu để chi tiền ăn trưa cho các cháu.

Việc chi sai và chiếm dụng số tiền 2,8 tỉ này đã khiến 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh tiểu học ở huyện Chư Pưh không có tiền ăn trưa.

Khi bị các trường đòi tiền chế độ, vị trưởng phòng thậm chí ráo hoảnh: “Chưa được cấp kinh phí”.

Nói đây là một “quả bom” của ngành giáo dục bởi nó không còn chỉ là chuyện ăn bớt, ăn xén mà thật sự là ăn chặn. Ăn không còn một đồng nào xuống được tới học sinh.

Trong vụ hiệu trưởng rút khẩu phần, ăn bớt 533 triệu đồng của học sinh, đã có câu hỏi được đặt ra: Vậy thì những đứa trẻ còn gì để ăn?

533 triệu là rất lớn, rất nhẫn tâm, rất rất khủng khiếp khi nó được bớt xén khẩu phần ăn của chỉ vài trăm học sinh trong năm học 2018-2019.

Nhưng sang đến vụ chiếm dụng 2,8 tỉ tiền hỗ trợ ăn trưa, nó mang thêm một màu sắc mới là sự trắng trợn.

Nếu toàn bộ hỗ trợ ăn trưa bị chiếm dụng, bị ăn chặn vậy thì 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh ở huyện Chư Pưh đã ăn gì?

Hôm qua, dư luận lên cơn sốc khi chứng kiến bữa ăn “cơm nguội ve sầu” của những đứa trẻ ở Vụ Bổn, Krông Pắk, Đắk Lắk.

Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, ông Lê Viết Nhượng vừa giải thích: ”Trẻ em ở xã vẫn thường bắt ve sầu, châu chấu, cào cào về ăn với cơm”. Và chuyện này “không có gì lạ” vì “đây là phong tục, tập quán của người dân địa phương”. Ông Nhượng cũng nói chính bản thân ông cũng đã ăn ve sầu như lũ trẻ.

Phong tục có thể là cách lý giải để có một cái đúng, để dư luận tin “không có gì lạ”. Nhưng cũng có một cái đúng khác là sự đói khát, lem luốc, nghèo khổ – điều mà dư luận nhìn thấy trong ảnh.

Đặc sản, hay một thứ đạm hoang dã khi không có gì để ăn có một khoảng cách. Khoảng cách ấy, sẽ rất đau nếu là ở cách nhìn.

Cũng giống như việc nhìn tiền chỉ là một thứ phải “ăn” bằng mọi cách thì người ta sẽ không từ khoản tiền nào, dẫu đó là tiền ăn của những đứa trẻ.

Theo nhà báo Đào Tuấn