Sự thật, dân đang phải nuôi báo cô bao nhiêu cán bộ?
Vì người ta “không cãi, không chửi ai, chỉ đi ra đi vào” nên tạm kết luận họ bị “khiếm ngôn” tức là bị câm.
Câu thành ngữ: “To đầu mà dại, bé … mà khôn” không phải ám chi cứ “to đầu” là dại.
Tuy nhiên gần đây người ta thấy tại Thủ đô, nơi dân gian hài hước gọi là “Đầu to” có khá nhiều chuyện không biết nên gọi là dại hay khôn, chẳng hạn cây gỗ mỡ được gọi là vàng tâm trong chiến dịch “chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của thành phố Hà Nội hồi năm 2015”.
Chuyện không lâu trước đây, Hà Nội chi tới 700 tỷ đồng cho việc cắt cỏ trên các tuyến đường giao thông thành phố, hay chuyện Phó Giám đốc sở “không nhờ, không biết” việc cán bộ dưới quyền đi thi hộ ở trường bồi dưỡng chính trị Thành phố.
Hà Nội còn được biết đến với những câu nói nổi tiếng đã thành giai thoại: “Hà Nội không vội được đâu”, “đường Hà Nội cong mềm mại”, với phát biểu của Chủ tịch thành phố đương nhiệm: “Công an “chống lưng” quán bia, bãi giữ xe có Bí thư, Chủ tịch”, [2] và cũng được biết đến với đường ống nước sạch Sông Đà vỡ tới hơn 20 lần khiến hàng vạn dân điêu đứng.
Nhìn ra cả nước, chỉ lấy các thành phố trực thuộc trung ương làm ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh có Thủ Thiêm, Hà Nội có Đồng Tâm, Hải Phòng có Tiên Lãng, Đà Nẵng có Sơn Trà, Cần Thơ có Cảng Cần Thơ,…
Phải chăng vì là năm thành phố lớn, trực thuộc trung ương nên các vụ việc cũng phải lớn cho “xứng tầm”?
Từng có vị lãnh đạo Chính phủ cho rằng công chức Việt Nam có tới 30% không đủ năng lực làm việc, họ chỉ có “tài năng” sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về.
Ông Lê Anh, Chủ tịch quận Hải Châu – Đà Nẵng cho rằng:
“Chỉ cần cho ông tuyển 5 người cũng làm hết việc của 25 người, văn phòng quận có đến 25 người đều của thế hệ trước để lại”.
Như vậy là ở Hải Châu – Đà Nẵng, tỷ lệ “cắp ô” lên đến 80% chứ không phải 30%.
Tại Hà Nội, ông Tô Quang Phán – Tổng giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội chỉ rõ:
“Trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là “đủ năng lực” làm việc tốt”.
Tổng kết lại, tỷ lệ “cắp ô” thấp nhất là 30%, có nơi là 40%, thậm chí có nơi lên tới là 80%, thế thì vì sao ngân sách – tức là tiền thuế của dân – cứ phải bỏ ra “nuôi báo cô” từ 30% đến 80% đội ngũ nói văn minh là “cắp ô” nói thẳng là ăn hại ấy?
Câu trả lời thật đơn giản, dù họ là những kẻ ăn hại song “không bỏ được, không loại được vì nhiều người là “con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố”. [3]
Lý giải tiếp theo của ông Phán:
“Họ làm việc làng nhàng, đi ra đi vào.
Họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi” liệu có cho thấy ông là người mạnh dạn song bị bó chân tay không làm gì được hay bản thân ông – với tư cách là người đứng đầu – cũng bị lây căn bệnh “đi ra đi vào” của cấp dưới?
Thực lòng, người viết cảm thấy ông Tô Quang Phán đã nói thật, đã làm sáng tỏ thêm một thực tế ai cũng biết, đó là sự yếu kém (nói quá một chút là dốt nát) của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hiện tại.
Vì người ta “không cãi, không chửi ai, chỉ đi ra đi vào” nên tạm kết luận họ bị “khiếm ngôn” tức là bị câm.
Nói “tạm kết luận” vì thực ra, ở nơi khác, với người khác, họ “hót” còn hơn cả khiếu.
Loại cán bộ đến cơ quan “không cãi ai, không chửi ai, không vi phạm kỷ luật” có khác gì rô bốt?
Loại “Rô bốt cán bộ” ấy tiếc thay lại chiếm nhiều chỗ trong phòng lạnh, biết rút tiền lương hàng tháng tại cây ATM, biết ăn ngon, mặc đẹp, biết xếp ghế ngủ trưa và du lịch bốn mùa,…
Trong khi đó rô bốt công nghiệp chỉ biết mỗi một điều là làm việc theo chương trình cài sẵn chừng nào ắc qui chưa hết điện hoặc phần mềm không bị bọn đạo chích “mũ đen” sờ mó.
Vậy ai đã biến cơ quan nhà nước thành khu nghỉ dưỡng dành cho người “câm”?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được các nhà khoa học dự báo có nguy cơ trước mắt là rô bốt chiếm dụng việc làm của con người, nguy cơ tương lai là rô bốt sẽ tự sinh sản và tiến tới lật đổ vị thế thống trị của loài người.
Về điều này, hình như thế giới đã đi sau Việt Nam cả nửa thế kỷ.
Cả hai nguy cơ này đều đúng với đội ngũ “rô bốt cán bộ” mà xã hội Việt Nam hiện tại tạo ra.
Chiếm dụng việc làm của những người có năng lực là điều không phải bàn luận, “rô bốt cán bộ” còn xóa bỏ vị thế ông chủ của chính những người mà chúng phải phục vụ, của những người nuôi sống chúng bằng cách đóng thuế, bằng cách nửa đêm ra đồng cấy lúa để tránh cái nóng thiêu đốt mùa hè…
Người Việt có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, câu này cũng tương tự như câu “Cha nào con nấy” hay “Rau nào sâu nấy”.
Không biết những người dũng cảm động chạm đến “ông này, bà kia từ trung ương trở xuống thành phố” có sợ làm mếch lòng các “cha”, các “rau” khi cho rằng lượng “sâu – con” chiếm 40% “không đuổi được” ấy lại là hậu duệ của họ?
Và quan trọng hơn, nếu “sâu – con” giống “rau – cha” cả “lông” lẫn “cánh” thì từ phát biểu của ông Phán, liệu có thể suy ra hệ quả, rằng cấp trên của các “rau – cha” ấy dẫu có muốn “đuổi” cũng đành bó tay vì đám “rau – cha” ấy cũng “không cãi ai, không chửi ai, chỉ đi ra đi vào”?
Các cụ bảo “Hổ phụ sinh hổ tử”, những thành phần nằm trong diện “cắp ô” từ 30% đến 80% đã, đang hoặc sẽ bị lộ đương nhiên không phải là “hổ tử”.
Người viết không đồng tình ý vài ông bạn già gọi họ là “khuyển tử” vì giống chó rất trung thành với chủ và chẳng bao giờ ăn hết phần của chủ, còn nếu nói là “trư tử” thì e hơi bất nhã nên đành nhờ bạn đọc tìm cho từ ngữ thích hợp.
Với lại cũng đề nghị bạn đọc khi đã tìm được từ thích hợp để thay cho “hổ tử” thì cũng nên tìm thêm từ thay cho “hổ phụ” chứ chẳng lẽ “liu điu” lại là con của “hổ phụ”?
Suy diễn có lẽ chỉ nên dừng ở đây bởi truy đến cội nguồn e là không có … cơ sở, hơn nữa các nhà khoa học đã phát hiện một hiện tượng gọi là “Lại giống”.
“Lại giống” được mô tả “Là hiện tượng một số đặc điểm của tổ tiên xa xưa bỗng nhiên xuất hiện ở thế hệ hiện tại”.
Người có đuôi là một trường hợp lại giống, hai chị em người dân tộc Ca Dong ở xã vùng cao Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam da trắng, tóc nâu, mắt xanh có thể cũng là trường hợp “lại giống”.
Phải diễn giải vòng vo tam quốc như vậy bởi biết đâu số 40% “không đuổi được” ấy chỉ là hiện tượng “lại giống” chứ không hẳn là “hậu duệ” của bộ phận khá đông đảo những “tổ tiên” hiện đại mà chúng ta quen gọi là “một bộ phận không nhỏ” như các vị Đinh La Thăng, Nguyễn Phong Quang, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son,…
Nghe nói những cán bộ làm việc ở cơ quan phát thanh – truyền hình cấp tỉnh, thành phố thường được Bộ 4T cấp thẻ nhà báo.
Nếu chẳng may những người gọi là “khiếm ngôn” ấy trong túi lại có cái “Thẻ nhà báo” thì có phải là bôi xấu thanh danh nhà báo hay không?
Nếu Bộ 4T không thể làm gì họ, chẳng lẽ Hội Nhà báo cũng bó tay?
Suy cho cùng, những người “khiếm ngôn” trong ngành truyền thông có thể không làm xấu mặt phụ mẫu của họ bởi sự “giống lông, giống cánh” song cái sự “không cãi ai, không chửi ai, chỉ đi ra đi vào” mà dân chúng gọi là nhẫn nhục của họ chắc chắn sẽ làm con cái của họ xấu hổ.
Ba hôm trước, trong bài: “Giáo dục – Cội nguồn của thành công và thất bại”, mới thống kê được 10 người là (hoặc từng là) Ủy viên Trung ương bị Ủy ban Kiểm tra đề nghị xem xét kỷ luật, thế mà chỉ vài ngày sau con số này đã là 13.
Cứ đà này, liệu có thể vui mừng cho rằng sắp tới sẽ hết “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi” và “lò nóng” sẽ tự nhiên nguội?
Điều ấy đúng một phần và sai một phần.
Lò có thể nguội vì các loại củi bị đốt hết hoặc không tìm ra củi để đốt.
Nói thế bởi bộ phận gọi là “không nhỏ” đâu chỉ có hơn chục người mà là một “bầy sâu” – như cách nói của một vị nguyên lãnh đạo Nhà nước.
“Bầy sâu” ấy trước khi hạ cánh đã kịp “nhường” cho nhiệm kỳ sau một tập đoàn đủ các chủng loại “sâu lai” (ngành sinh học gọi là thế hệ lai F1) giữa “bộ phận không nhỏ” và các loại “sâu” nhiều tiền, kín tiếng khác.
Bọn “sâu” mới này giàu gấp trăm, nghìn lần địa chủ tư sản ngày xưa và lợi hại ở chỗ bộ hàm của chúng “có gang, có thép”.
Chúng có thể điều khiển tướng công an – vụ “đánh bạc qua mạng” – hay tướng quân đội như loạt phóng sự điều tra về doanh nghiệp CTK của báo Tuoitre.vn.
Ở nơi gọi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước mà cơ quan báo chí bị biến thành nơi nghỉ dưỡng cho 40% nhân sự mắc chứng “câm” thì ở nơi khác thế nào?.
Từ “tấm gương” Hà Nội, liệu suy diễn như sau là sai hay đúng:
Với 40% nhân sự bị “câm”, truyền thông đương nhiên không thể là quyền lực thứ tư sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp?
Nếu chẳng may lũ “sâu lai” thế hệ F1 mồm có gang, có thép ấy cạp hết cả lá lẫn gỗ thì lấy đâu ra củi để cho vào lò, đến nước ấy muốn lò nóng phải làm thế nào?
(Theo Giao duc)