Nếu mẹ bé gái đứng giữa trời nắng 40 độ dàn dựng để vu khống, tại sao cô giáo chủ nhiệm lại thừa nhận đã sai?

Sáng nay mình thấy rất nhiều người share video clip, được cho là từ một camera của nhà dân gần trường, ghi hình lại cảnh mẹ bé Thiên Thanh chở con từ trong trường ra, dừng lại ở trước cổng trường và chụp hình cho bé. Mọi người cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy mẹ của bé đã dàn cảnh để vu họa cho trường về việc “không cho bé ở trong trường vì đi học sớm, phải ra ngoài cổng trường đứng trong ngày nắng nóng 40 độ C”. Lướt qua các lời bình luận ở các bài share thì mình thấy khá nhiều người thể hiện thái độ hả hê, kết tội người mẹ này nhưng họ dường như đã quên bẵng đi cái gốc của vấn đề ở đâu… Để mình phân tích kỹ hơn nhé.

Video clip mà mọi người đang share dài khoảng 4 phút, được ghi hình lại vào khoảng trưa 12 giờ 5 phút (tức hơn 1 tiếng trước khi sự việc xảy ra). Trong video clip, khoảng phút 2:45 thì người mẹ này dừng xe và chụp hình con trước cổng trường (như hình trong bài post). Có thể là tấm hình này đã được lan truyền trên mạng chóng mặt trong những ngày qua và mình cũng có sử dụng tấm hình này để trong bài viết lần trước khi nói về sự vụ này. Để giải thích cho video clip trên, mẹ của cháu Thiên Thanh có viết một status trên Facebook khẳng định là việc đứng chụp hình này là có và ngoài ra hôm đó bà có nhờ hàng xóm chở bé đi học.

So với vụ án Hồ Duy Hải, bằng chứng hiện trường được thay thế một cách trắng trợn, từ con dao gây án, cái thớt dính máu cho đến cái ghế tang vật đều được đốt bỏ và mua mới ngoài chợ mà vẫn được chấp nhận một cách tuyệt đối 100% từ 17 vị phẩm phán dựa trên kết luận “không làm thay đổi bản chất của vụ án”. Nhưng vụ trong việc này “việc dàn dựng bằng chứng” (theo như cách nói của nhiều người) quá “non tay” của một người mẹ xót con khi đi học sớm bị phạt, sợ hãi ra đứng ngoài nắng trước cổng trường đã làm cho biết bao “con” người hả hê và quên đi rằng “bản chất của sự việc vẫn không thay đổi”. Bản chất sự việc ở đây là việc đối xử nhẫn tâm đối với một đứa trẻ nhỏ, cô giáo không cho vào lớp sớm, các anh chị sao đỏ không cho đứng trong sân trường thì chuyện bé phải ra ngoài cổng trường đứng là một hệ quả tất yếu. Đây là cách duy nhất bé có thể làm khi những lựa chọn cho việc tránh nắng và an toàn ở trong lớp hoặc dưới tán cây trong trường không được cho phép. Việc này có thể giải quyết bằng một cách nhân văn như Sở Giáo Dục và Đào Tạo ở Đà Nẵng đã từng làm 4 năm trước là ra văn bản về việc không đóng cửa trường để các em không học bán trú có thể vào trong trường và ngoài ra bố trí khu vực chờ cho các em? Tại sao Hải Phòng không thể có một cách ứng xử nhân văn như thế mà lựa chọn cách đổ lỗi lên việc em đi học sớm và tự ra ngoài cổng?

Mình vẫn băn khoăn là người trích lục video clip trên cho thấy người mẹ đang loay hoay chụp hình cho con lúc 12 giờ trưa trước cổng trường sao không đưa luôn đoạn video clip sau đó 1 tiếng đồng hồ để xem các cháu bé đứng trước cổng trường trong thời gian nắng nóng 40 độ C như thế nào?

Thực sự, mình cũng có chút buồn khi xem video clip trên thấy bằng chứng mẹ bé Thiên Thanh đã có sử dụng hình ảnh tố cáo không đúng tại hiện trường nhưng mình vẫn cảm thông được vì như mình phân tích phía trên thì “bản chất của sự việc vẫn không thay đổi” và ngoài ra người mẹ này chỉ là một người thấp cổ bé họng trong xã hội này, một người mà thực sự khó có thể làm thay đổi gì đó trong một hệ thống, bà chỉ mong gào lên trên mạng xã hội cho giải tỏa nỗi lòng bức xúc trong cái nóng bức, ngột ngạt và vô cảm của khí hậu miền Trung… So với nghi can Nguyễn Văn Nghị trong vụ án Hồ Duy Hải, người mà có thể từ một tình nghi chính rồi trở thành một kẻ ngoại phạm, thậm chí hồ sơ còn được chuyển vào nhóm tài liệu mật và biến mất tăm như một cơn gió… Mẹ của bé Thiên Thanh chỉ như cá nằm trong rọ lúc này khi bắt đầu được mời lên phường uống trà! Mình chỉ mong sự việc này sẽ sớm được giảng hòa và trả lại cho bé Thiên Thanh một tuổi thơ không bị méo mó và bé vẫn có thể xem “cô giáo như mẹ hiền” như lời trong một bài hát nào đó mà mình đã quên mất…

Mình hy vọng ai là bạn của mình trong cuộc sống thật cũng như trên thế giới mạng ảo này không thuộc nhóm những con người đang hả hệ đó!

Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng.

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA