Mỹ đưa VN khỏi danh sách quốc gia đang phát triển, VN biến bất lợi thành lợi thế từ thương chiến Mỹ – Trung

Việt Nam vừa đón nhận tin mừng chưa lâu khi Nghị viện Châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA thì nhận được “hung tin” (theo nhiều người) rằng: “Mỹ đưa VN ra khỏi danh sách quốc gia đang phát triển”. Liệu đây có thật sự là một quyết định không công bằng và gây bất lợi cho VN khi sắp tới đây VN sẽ không còn được hưởng ưu đãi biên độ phá giá không đáng kể?

Việc Nghị viện Châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA đã đánh dấu Việt Nam “là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU, khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực,…”. Đó là nỗ lực không biết mệt mỏi của rất nhiều người ở các bộ, ngành, đặc biệt là Công thương, Ngoại giao; các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự.

Quyết định của EU đã cho thấy Liên minh Châu Âu đang đánh giá cao năng lực và khả năng của VN mà nếu nhìn nhận lại cũng có thể thấy trong quyết định của Mỹ cũng có cái khả quan của nó. Bởi vì không chỉ riêng VN, các quốc gia lớn khác trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc cũng bị loại ra khỏi danh sách các “quốc gia đang phát triển”. Đồng nghĩa với việc Mỹ cũng đặt Việt Nam ngang hàng với các nước như Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc.

Nếu nhìn toàn cảnh sẽ thấy mũi tên tấn công của Mỹ không phải là VN mà cái đích cuối cùng là Trung Quốc. Một quốc gia mà nền kinh tế đạt độ phát triển cao là Trung Quốc đang trục lợi từ các quy định đã “lỗi thời” của Mỹ. Và Việt Nam thực chất chỉ là một nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ và Trung Quốc.

Vậy để giảm bớt những bất lợi do động thái mới của Mỹ, Việt Nam cần làm gì?

Nếu muốn tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam trước tiên nên kiểm soát chặt chẽ hàng hóa có xuất xứ “made in China”, không để tiếp tục tái diễn vụ Trung Quốc thậm chí là nhiều quốc gia khác lợi dụng nhãn mác “made in Vietnam” để né thuế của Mỹ. Chúng ta đã nhận bài học đắng từ việc để các nước khác lợi dụng thực hiện hành vi gian lận thương mại với Mỹ và nhận thiệt thòi lớn nhất: Mỹ áp mức tiền phạt lên đến hơn 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Thứ nữa, Việt Nam nên lợi dụng một điểm son trong quan hệ kinh tế Mỹ – Trung đó là: Mỹ muốn lấy VN làm nơi để kêu gọi các công ty của nước này rời TQ sang Việt Nam, bên cạnh việc khuyến khích họ trở về Mỹ. Biến suy nghĩ “nếu bị liệt vào danh sách như vậy, khả năng chế tạo, sản xuất, hay xuất cảng với giá cao hơn thì không thể nào cạnh tranh được với TQ” thành “VN cần một bàn đạp để sát cánh với Mỹ cạnh tranh hữu hiệu với TQ”. Có như vậy thì tình hình sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để chứng minh cho Tổng thống Trump thấy chúng ta sẽ trở thành một trung tâm chế tạo, hỗ trợ đắc lực cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Hiện Việt Nam đang hưởng thặng dư thương mại lớn trong buôn bán với Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ tới hết tháng 11/2019 đạt 68,6 tỷ đô la, trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ trên 55 tỷ đô la, và nhập từ Mỹ hơn 13 tỷ đô la. Chúng ta không nên bi cực trước quyết định của Mỹ mà xem nó là thách thức và cơ hội để đưa VN thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế của TQ, tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại song phương với Mỹ.

Mỹ thu hẹp danh sách nội bộ của nước này về việc nhìn nhận quốc gia nào “đang phát triển” và “kém phát triển”, tức là các nước lâu nay nhận ưu đãi vì “đang phát triển” sẽ mất quyền lợi khi bị đưa khỏi danh sách này. Nhìn ở phương diện tích cực, đây là một hành động đúng, chúng ta đã có một khoảng thời gian dài tận dụng những lợi thế từ chính sách của Mỹ. GDP đầu người năm 2017 theo cách tự tính toán của Việt Nam là 2.985 đô la, đã là mức độ mà nhiều quốc gia nghèo khác đang mơ ước. Phải chăng việc Mỹ đưa VN ra phải danh sách cũng là lúc Việt Nam nhường cơ hội đó cho các quốc gia còn đang chật vật khác? Phải chăng đây là lúc VN cần chứng minh mình xứng đáng bước lên một bước mới là trở thành “quốc gia phát triển”, nỗ lực gia nhập thị trường một cách công bằng, không cần tới các ưu tiên, ưu đãi?

Theo Tâm bão