Kinh nghiệm, trách nhiệm quá nhiều, sao chưa thấy Từ nhiệm?

Người Việt vốn dị ứng với “sợi dây kinh nghiệm” được rất nhiều tổ chức, cá nhân rút từ thế kỷ trước sang thế kỷ này vẫn chưa hết.

Người Việt vốn dị ứng với “sợi dây kinh nghiệm” được rất nhiều tổ chức, cá nhân rút từ thế kỷ trước sang thế kỷ này vẫn chưa hết.

Vài năm trở lại đây, khi thực phẩm bẩn tràn lan khắp mọi ngõ ngách, trong “thực đơn tinh thần” của dân chúng xuất hiện món “Kinh điển hấp lại” là “nhận trách nhiệm”.

Không phải tự nhiên mà dân chúng bảo đó là món “khoái khẩu” của hơi bị nhiều vị có hàm đứng đầu cơ quan cấp Bộ.

Lượm lặt tin tức trên báo trong vòng 5 năm tính từ ngày bài về Bộ trưởng Bộ Nội vụ được đăng (20/11/2013) đến bài về Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đăng ngày 1/8/2018), dân chúng không hiểu sao Nội các thời kinh tế tri thức mà nước nhà lại có nhiều vị Bộ trưởng “nhận trách nhiệm” đến thế!

Ảnh mang tính minh hoạ: lawnet.thukyluat.vn

Có phải “rút kinh nghiệm” và “nhận trách nhiệm” đều từ cái gốc “iệm” mà ra nên đọc cỏ vẻ na ná như kiểu anh em “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh?”.

Khi “sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết” thì “nhận trách nhiệm” cũng phải “dài” tương ứng?

Xin trích dẫn vài cái tít lượm lặt trên các báo chính thống:

Bộ trưởng Nội vụ nhận trách nhiệm về 30% công chức “cắp ô”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Ba lần nhận trách nhiệm.

Loạn kê toa thuốc, Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm.

Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thành thật xin lỗi các gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm về sự cố Formosa.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiệm về sự việc tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm do ‘còn nể nang’.

Bộ trưởng Tài chính: “Sai thì chúng tôi chịu trách nhiệm và nhận sửa”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về sai phạm thi trung học phổ thông quốc gia.

Được biết thời kỳ gần đây Chính phủ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

(Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Bốn cơ quan ngang bộ, gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ).

Thống kê sơ bộ trong 5 năm có 10/18 vị Bộ trưởng “nhận trách nhiệm” nghĩa là “quá bán”, nếu thống kê tiếp 8 bộ và 4 ủy ban còn lại, may mắn lắm thì tỷ lệ này sẽ “ổn định” hoặc chỉ có tăng chứ không thể giảm.

Trước hết, điều ai cũng nhận thấy là tất cả những vị Bộ trưởng đã “nhận trách nhiệm” chưa có ai tự nguyện từ nhiệm, kể cả ông Vũ Huy Hoàng từng là Bộ trưởng Bộ Công thương, người đã có tới “ba lần nhận trách nhiệm”!

Ngược dòng lịch sử, từng có vị Bộ trưởng từ nhiệm là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Báo chí tường thuật lời ông như sau: “Về trách nhiệm và ý thức chính trị thì mình ý thức rằng mình nên làm theo tổ chức (tức là xin từ nhiệm – NV).

Vị Bộ trưởng thứ 10 trong danh sách thống kê nêu trên và cũng là vị Bộ trưởng mới nhất xin “nhận trách nhiệm” là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì thế cũng nên tìm hiểu đôi chút về “cái sự” nhận trách nhiệm này.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói:

“Hôm nay Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về những tiêu cực phát sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua”.

Giá như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “nhận trách nhiệm” trước hết là với Nhân dân thì mới đúng tiêu chí Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, thôi thì cũng đành phải thông cảm, ai chẳng có lúc lỡ lời.

Báo Infonet.vn, tờ báo điện tử của Bộ Thông tin và truyền thông dẫn lời một vị đại biểu Quốc hội:

“Là đại biểu dân cử, tôi đã nhìn thấy nhiều “cú rơi tự do” về niềm tin đối với nền giáo dục đào tạo trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài.

Rất nhiều tiếng nói từ lương tri đã được cất lên liên quan đến vấn đề thi cử trong giáo dục ở các cấp chứ không riêng gì kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng rồi dường như những vấn đề đặt ra không nhận được câu trả lời thấu đáo, thay vào đó là những chương trình đổi mới đầy tính ảo vọng của những nhà quản lý giáo dục”.

Nói cho công bằng, nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là một sự dũng cảm bởi suốt thời gian dài người theo “Ngành Giáo” luôn được xếp ở vị trí “chuột chạy cùng sào”.

Người viết từng có nhận định không chính xác về “Quyền lực” của Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo, rằng vị Tư lệnh ấy chỉ có “quyền hành” mà không có “lực lượng”.

Phải nói lại thế này cho chính xác: Hai yếu tố “Quyền hành” và “Lực lượng” tạo nên khái niệm “Quyền lực” thì Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo mỗi thứ có một tí.

Có “Quyền” ban hành thông tư, quy chế,… nhưng không được “Hành” bởi việc “Hành” thuộc về chính quyền địa phương, thiếu “Lực” – tức là ngân sách nhưng hơi thừa “lượng” ấy là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được Hội đồng chức danh (do Bộ quản) phong mỗi năm ngót nghét nghìn người.

Nói thế không có nghĩa là biện minh cho những gì đang xảy ra mà chỉ là khẳng định một thực tế, rằng với cơ chế hiện nay, ai lãnh đạo ngành Giáo dục cũng khó có thể thành công, cũng phải chuẩn bị “mũ cối” để “giơ đầu chịu báng”.

Vấn đề ở chỗ người nhận nhiệm vụ có biết biết là khó thành công hay chỉ biết đó là vinh dự không thể chối từ?

Liệu trong thâm tâm, vị Tư lệnh ngành có tin vào năng lực bản thân trong việc xoay chuyển tình hình hay chỉ là noi theo cách của hai vị cựu Bộ trưởng trong Nội các:

“Về trách nhiệm và ý thức chính trị thì phải làm theo tổ chức” và “Xin nhường nhiệm kỳ sau giải quyết”?

Một thống kê trên Zing.vn cho thấy, chỉ trong một kỳ chất vấn tại Quốc hội với 4 vị Bộ trưởng, các vị này đã 324 lần “nhận trách nhiệm”, 143 lần “sẽ cố gắng, sẽ rà soát, xin hứa”, 99 lần “tiếp thu ý kiến của đại biểu”,…

Đồ họa trên zing.vn

Nếu thống kê của Zing.vn là chính xác thì việc “nhận trách nhiệm” của bốn vị Bộ trưởng có lẽ đã đạt tới kỷ lục Việt Nam bởi bình quân mỗi vị Bộ trưởng “nhận trách nhiệm” tới 81 lần chỉ trong 3 ngày chất vấn!

“Nhận trách nhiệm” sao dễ thế, thực hiện lời hứa sao lại không “dễ” như vậy?

Đã đến lúc người dân không muốn các vị Bộ trưởng chỉ “nhận trách nhiệm nữa”, việc ấy dân biết lâu rồi và cũng thông cảm với quý Bộ trưởng nhiều rồi.

Người dân mong muốn kỳ họp tới Quốc hội thay đổi hình thức chất vấn, thay vì hỏi để các Bộ trưởng “nhận trách nhiệm”, hãy hỏi các vị thực hiện lời hứa đến đâu, có khó khăn, thuận lợi gì và vì sao chưa (hoặc không) thực hiện được điều đã hứa.

Quốc hội có nên ban hành quy định, các vị đầu ngành chỉ được hứa … ba lần, sau ba lần tình hình không có chuyển biến thì tự viết đơn xin từ nhiệm.

Thế ngộ nhỡ người ta không chịu từ nhiệm, cứ “phải làm theo tổ chức” như lời ông Lê Huy Ngọ thì sao?

Từ những dẫn chứng đã nêu, liệu vẫn còn thiếu hay đã đủ cơ sở để kết luận:

“Với cơ chế hiện nay, khái niệm “từ nhiệm” không tồn tại trong hàng ngũ lãnh đạo cấp Bộ?”.

Và liệu có thể suy rộng ra cho các cấp cán bộ trong toàn bộ hệ thống?

Với ngành Giáo dục, chưa có thống kê nào cho thấy đến nay có bao nhiêu bài báo, ý kiến đóng góp cho lãnh đạo ngành về chủ trương, chính sách,…, nhưng có lẽ số lượng bài báo phải lên đến con số hàng nghìn.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có đội ngũ chuyên viên chịu khó thu thập, lắng nghe, chắt lọc thì chắc chắn sẽ thấy trong đó không ít điều có thể vận dụng.

Những biện pháp kỹ thuật được nêu trong kỳ họp Chính phủ vừa qua nhằm hoàn thiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia những năm tới là cần thiết nhưng liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chắc chắn sẽ không xuất hiện các vụ tương tự Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khi đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục địa phương – những người chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi quốc gia – vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ về nhân sự?

Một xã hội, một tổ chức, một cơ quan mà ở đó nhiều người lớn dối trá thì thế hệ con cháu của họ liệu có thể hoàn toàn trung thực?

Bất kỳ sản phẩm nào do con người chế tạo ra cũng có chỗ chưa hoàn thiện, cũng có thể bị mắc lỗi kỹ thuật ngay từ khâu sản xuất đến khi vận hành ngoài thực địa.

Bất kỳ ở đâu và lúc nào, sự giả dối là thói xấu không thể chấp nhận, giả dối trong giáo dục đặc biệt xấu vì nó tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ, đến uy tín quốc gia và tiền đồ đất nước.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Trần Xuân Yến tiêu hủy 16 đĩa CD chứa dữ liệu bài thi và một số tài liệu của kỳ thi quốc gia tỉnh này là điều chưa từng xảy ra tại Việt Nam.

Hành vi được cho là “tiêu hủy bí mật quốc gia” này chẳng có quy trình, quy chế nào có thể lường trước nếu thói dối trá trong cán bộ công chức nhà nước không bị triệt tận gốc.

Động chạm đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên địa phương có thể vượt quá tầm tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc trong tầm tay của Bộ – nghĩa là Bộ có đủ “quyền hành và lực lượng” – là tấn công vào thói dối trá của người lớn trong việc sử dụng “bằng rởm”, “đạo văn” và “bệnh thành tích”.

Vì sao cho đến nay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không dám mạnh tay với nạn “đạo văn”, chẳng hạn như vụ việc ở Đại học Bách Khoa mà báo chí đã đề cập?

Có uẩn khúc gì phía sau sự im lặng bất thường này?

Xóa bỏ được vấn nạn “bằng rởm”, “đạo văn” và “bệnh thành tích” có thể coi là thành công trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng.

Xóa bỏ thói dối trá đang đồng hành cùng bộ phận khá đông người Việt hiện tại là thành công trong cả sự nghiệp của người lãnh đạo.

Đổi mới toàn diện giáo dục hay chấn hưng giáo dục không phải là công việc trong một nhiệm kỳ, càng không phải là nhiệm vụ của của riêng ngành Giáo dục.

Nhưng những nhiệm vụ chính của ngành còn chưa hoàn thành thì nói gì đến chấn hưng giáo dục.

Ôm đồm nhiều thứ quá trong vài năm của một nhiệm kỳ thật khó có thể nói là tư duy khoa học.

“Buông bỏ” theo cách nói của đạo Phật hay “Từ nhiệm” theo cách nói hiện đại tuy có thể là tiêu cực trước thời cuộc song đời người ta đôi khi cũng nên biết điểm dừng, nhắm mắt đưa chân chỉ có thể là “trí ngủ”!

(Theo Giao Duc)