Khi mọi quyết sách đều “vì dân”, đất nước mình có bao giờ được như thế!

Năng lực thực sự của một người sẽ được khẳng định qua thực tế giải quyết khủng hoảng. Thủ tướng chính phủ của một nước không chỉ vận dụng tài trí để điều hành công tác chống dịch mà còn phải theo sát đời sống của người dân trong lúc nguy nan. Chính vì thế, kể từ khi Việt Nam chính thức bước vào “cuộc chiến chống Covid19”, hàng loạt quyết sách “vì dân” đã được nhà điều hành chính phủ chỉ thị kịp thời, dứt khoát: Không tăng giá điện, giảm giá thịt heo, ngừng xuất khẩu gạo, tạm dừng các chuyến bay từ nước ngoài đến Việt Nam, … Thử hỏi, đất nước mình có bao giờ được như thế!

Sự xuất hiện của virus Covid-19 đã khiến nhiều nước trên thế giới, ngay cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn, Ý,… lâm vào cảnh bi đát không chỉ về tính mạng con người mà cả thiệt hại kinh tế nặng nề. Sự tàn phá của Covid19 đã chứng minh thứ virus nguy hiểm này sẽ không chừa bất cứ vùng đất, quốc gia, con người, ở bất cứ vị trí địa lý nào. Và dù nằm sát quốc gia, tâm điểm gây ra sự bùng dịch mạnh mẽ của Covid19 là Trung Quốc, không như Nhật, Hàn, Việt Nam tuy nhỏ bé vẫn kiên trì chống chọi mạnh mẽ với thứ virus dường như vô hình nhưng đầy nguy hại này.

Há phải chăng dân Việt Nam có sức mạnh phi thường? Thật, người dân VN có thể không to, khỏe như ngoại quốc nhưng ý chí, bền bỉ và tinh thần đoàn kết “chống dịch như chống giặc” thì chẳng thua ai. Và liệu tự bản thân chín mươi mấy triệu người dân Việt tự cường chống dịch? Thưa, không một người dân đất nước nào có thể tự lèo lái đất nước đi nếu không có những người đứng đầu chỉ đạo, dấn lối. Nếu người đứng đầu đất nước không có những quyết định sáng suốt, liệu người dân chúng tôi có an tâm chống dịch?

Việt Nam đã rất nhân văn khi giang tay chào đón hàng ngàn dân Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài về nước cùng nhau chống dịch. Tinh thần tương ái đó đã không chỉ khơi dậy tình đoàn kết dân tộc mà còn nâng cao thêm ý chí, quyết tâm chống dịch của toàn dân. Nhưng cái gì cũng có giới hạn và hai mặt của nó. Chính phủ đã buộc phải lựa chọn, không bỏ rơi ai nhưng phải cứu mình trước, cứ giải cứu tất thảy trong khi nhà còn nghèo thì sẽ có nguy cơ vỡ trận về lâu dài bởi lúc này không ai có thể trả lời bao giờ con virus Vũ Hán sẽ biến mất. Quyết định có phần nhẫn tâm nhưng lại rất sáng suốt của Thủ tướng “Ngoài việc thu phí, Chính phủ cũng tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam từ 0h ngày 22/3/2020” lại rất hợp với mong muốn của rất nhiều người dân Việt Nam vào lúc này.

Covid19 đến lúc này nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Không chỉ nguy hại về sức khoẻ con người mà đó là tác động không lường đến nền kinh tế. Khảo sát của Ban Phát triển Kinh tế tư nhân với 1.200 doanh nghiệp cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng thì 74% doanh nghiệp sẽ phá sản. Làn sóng sa thải nhân sự đã bùng nổ trên toàn thế giới như một xu hướng tất yếu: HSBC sa thải 10.000 nhân viên, Pandora 1.200 nhân viên, Cathay Airlines 27.000 nhân viên nghỉ việc không lương, Asia Airlines 10.5000 người, GM sa thải 1.500 nhân viên ở Thái Lan, Teccent Holdings sa thải 10% quản lý…

Với nền kinh tế độ mở 200% GDP như Việt Nam, tác động lần này là rất dữ dội. Việt Nam chưa ai chết vì dịch bệnh đến lúc này (thật may) nhưng nếu không khẩn cấp cứu doanh nghiệp thì có thể hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn người sẽ thất nghiệp. Lúc đó hệ luỵ xã hội là vô cùng khủng khiếp.

Nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng thì 74% doanh nghiệp sẽ phá sản
Là một Chính phủ kiến tạo, hành động khẩn cấp thay vì hô hào, Thủ tướng đã lập tức yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí, tung gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Doanh nghiệp như chết đuối vớ được phao cứu sinh, cả ông chủ và nhân viên đều an tâm cùng nhau chống dịch.

Trước bối cảnh Tổ quốc căng mình chống dịch, không một ngành nghề nào đứng ngoài. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành “không tăng giá trong thời điểm này”. Chính vì thế hàng loạt mặt hàng thiết yếu bao gồm: giá điện, giá xăng, giá thịt lợn,… không những không tăng mà đồng loạt giảm vì biết nhu cầu sử dụng của người dân vào thời điểm này là rất lớn.

Trong đó có một thứ mặt hàng không thể thiếu trong bất cứ gia đình Việt nào chính là gạo cũng đã được Thủ tướng quan tâm và soi xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định nên hay không nên xuất khẩu. Chính vì thế, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tham mưu cho chính sách an ninh lương thực của quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường trực chính phủ và nêu rõ phòng chống dịch phải ổn định vĩ mô, không để đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo và các vật tư nhu yếu phẩm khác… để rồi ra quyết định: “tạm dừng” xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020.

Nếu đây không phải là một quyết định sáng suốt, liệu có chuyện sau khi Việt Nam quyết định ngừng xuất khẩu gạo, lập tức có nhiều quốc gia noi theo gồm: Kazakhstan: hạn chế xuất khẩu 11 sản phẩm nông nghiệp; Serbia: ngừng xuất khẩu hàng hóa theo danh sách các sản phẩm trong lệnh cấm hàng tuần; Nga – nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới cho biết đang bỏ ngỏ khả năng cấm xuất khẩu; … Một số quốc gia khác lại đang tăng mua hàng hóa cho kho dự trữ chiến lược. Điển hình như Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, cam kết tăng mua kỷ lục gạo trước vụ thu hoạch trong nước.

Và dĩ nhiên ở Việt Nam, quyết định của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ toàn thể người dân khi mà tình hình xâm thực mặn ở Miền Tây cũng như sự thu mua gạo ồ ạt của các nước láng giềng đang là hồi chuông cảnh báo cho sự tồn tại của cái gọi là “nguy cơ an ninh lương thực”.

Điều quan trọng là nhưng quyết định sáng suốt, hợp lòng dân này liệu có được các cấp, bộ, ngành thực hiệm nghiêm túc hay không? Hy vọng rằng cả hệ thống cũng như toàn dân nước Việt sẽ cùng đồng lòng, cùng nhau thực hiện mọi chỉ thị của Thủ tướng như mệnh lệnh thiêng liêng trong cuộc chiến mang tính sống còn bên cạnh cuộc chiến chống virus.

Hà Min