Doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, 29% dự án báo lỗ luỹ kế

Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD – tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Việt Hưng).
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Việt Hưng).

 

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên thảo luận sáng (28/5) cho biết, việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực.

PVN, Viettel dẫn đầu vốn đầu tư ra nước ngoài

Đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng Công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Trong đó, đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%).

Theo báo cáo, Viettel đã đầu tư 10 thị trường nước ngoài trải rộng khắp 3 châu lục (Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ) với tổng dân số hơn 230 triệu dân, trong đó 9 nước đã đưa vào kinh doanh, còn riêng Myanmar đang trong giai đoạn đầu tư. Tổng doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2016 đạt ~ 1,4 tỷ USD, lũy kế thuê bao đạt 36 triệu, trong đó: 03 dự án đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) đứng số 1 tại thị trường.

Báo cáo cho biết, năm 2016, các dự án đã đóng góp 40% doanh thu đầu tư quốc tế; 3 dự án đã có lãi (Mozambique, Haiti, Peru). Tuy nhiên 2 dự án tại Mozambique và Haiti dù lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh dương nhưng do tỷ giá biến động đột biến nên phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gây ra lỗ kế toán. Năm 2017, dự kiến tỷ giá bình ổn trở lại thì kết quả kinh doanh dự án sẽ không bị ảnh hưởng bởi trích dự phòng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

Trong khi đó, Peru đã bắt đầu có lợi nhuận dương từ sản xuất kinh doanh từ tháng 12/2016 (2 năm sau kinh doanh); 03 dự án còn lỗ (Burundi, Cameroon, Tanzania) là 3 dự án khai trương dưới 3 năm, nên đang trong giai đoạn lỗ theo kế hoạch và sẽ có lợi nhuận từ năm thứ 3 sau kinh doanh.

Đầu tư 7 tỷ USD, 25,5% dự án báo lỗ

Dù vậy, báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD – tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.

Một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả được chỉ ra như: đầu tư của TCT Hàng hải Việt Nam tại các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; đầu tư của TCT Công nghiệp Tàu thủy tại các công ty con, công ty liên kết; đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), TCT Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru…

Trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp như tại TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Vật tư Nông nghiệp. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết cũng được chỉ ra rằng chưa cao gây ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Đánh giá về báo cáo giám sát, ông Nguyễn Minh Sơn – Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nhận xét, nội dung của báo cáo trên còn đơn giản, chưa lột tả được bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ ngành, lĩnh vực nào lỗ, lãi, các quốc gia doanh nghiệp nào đầu tư, những vướng mắc…

“Tôi kiến nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá vấn đề này để rút kinh nghiệm thực chất hơn, đưa ra các giải pháp, cơ cấu đối với những dự án kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng, đưa ra những giải pháp kịp thời giải quyết những vướng mắc đảm bảo không làm ảnh hưởng tới những dự án quan trọng mang tính chiến lược”, ông Sơn nói.

Nguồn: Dân Trí