Đất nước trong sự tổn thương và Luật Biểu tình

Trong những ngày qua, Việt Nam chúng ta đang trải qua những chuyện rất đau buồn, khiến cho những người dân vốn đang sống trong một quốc gia thanh bình này đứng ngồi không yên.

Đó là việc một số địa phương đã xảy ra tình trạng bạo động, phá rối gây mất an ninh, trật tự trị an và chống đối lại chính quyền xung quanh các vấn đề liên quan tới Luật Đặc khu mà Quốc hội sẽ thông qua.

Trước các thông tin về Luật Đặc khu, đã xuất hiện những quan niệm cho rằng, việc hình thành các đặc khu kinh tế là thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội, bởi tại những nơi là các đặc khu thì kinh tế sẽ phát trrển hơn, trong khi đó chủ trương của Nhà nước ta là xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cùng với đó, việc hình thành nên các đặc khu kinh tế sẽ tiếp tục mở đường cho tụ điểm của nạn tham nhũng phát triển, sẽ làm lợi cho một số người bởi vấn nạn này vẫn đang tiếp tục hoành hành rất manh mẽ ở nước ta trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc Nhà nước hình thành nên các đặc khu kinh tế nhưng lại cho người nước ngoài thuê, mà đối tượng thuê ở đây lại là người Trung Quốc với thời hạn lên tới 99 năm thì khác nào chúng ta đã “bán nước và người dân trên đất nước Việt Nam chúng ta sẽ bị biến thành nô lệ”. Thêm vào đó, việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ tạo ra sự thiếu cân bằng và hài hòa, tạo ra nhưng điểm nóng và nhay cảm. Chính vì thế,  người dân đã bức xúc, thể hiện sự chống đối lại bằng hình thức gây ra bạo động ở một số nơi như đã thấy.

Có thể nói, việc lùi thời hạn thông qua Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là một việc làm cần thiết thể hiện sự tập trung cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân của cơ quan quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, ở đây phải khẳng định rằng, trong việc xây dựng đặc khu và Luật về đặc khu, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước đã chưa được thực hiện tốt nên mới xảy ra một tình trạng ngộ nhận trong nhân dân, gây nên những hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Ở đây, khi thực hiện hành vi của mình, người dân đã vì các vấn đề của quốc gia và dân tộc nên mới có những hành động như thế chứ không phải vì lợi ích của một cá nhân nào. Vẫn biết, hành vi bạo động, gây rối, đập phá và chống phá lại các lực lượng chức năng là sai trái và vi phạm pháp luật, và tới đây những hành này sẽ bị truy tố, xét xử nhưng đó sẽ là một sự tổn thương cho những người dân, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã bị xâm hại. Điều này thực sự là đáng tiếc trong khi Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng những chính sách phát triển kinh tế và xã hội nhằm phục vụ lợi ích cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Bởi vậy, nếu có Luật biểu tình thì nhân dân sẽ thể hiện sự đấu tranh, tiếng nói và cách ứng xử của mình một cách văn minh, văn hóa và hợp lý hơn chứ không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trên.

Trên thực tế, quyền biểu tình của công dân là một quyền năng chính trị đã được ghi nhận từ rất lâu trong các bản Hiến pháp của nước ta nhưng đã từ rất lâu, nhân dân ta chưa sử dụng quyền này theo đúng nghĩa. Theo đó, biểu tình là một hình thức đấu tranh bằng cách tụ họp đông người để bày tỏ ý chí, tư tưởng và nguyện vọng chung. Biểu tình thường xảy ra khi quyền và lợi ích của người dân không được đảm bảo, các chính sách và pháp luật không đáp ứng được các nhu cầu và yêu cầu chung, gây tác động mạnh đến tinh thần của nhân dân và gây ra bức xúc xã hội.

Khi chế độ mà Nhà nước chúng ta đang xây dựng là chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho tất cả nhân dân lao động, với một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính vì thế, nếu để xảy ra những sự việc biểu tình trong nhân dân sẽ là những sự kiện chính trị có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Đảng và Nhà nước trong cách nhìn của nhân dân.

Do đó, việc xây dựng và cho ban hành một văn bản pháp luật quy định rõ về biểu tình chỉ là một chuyện nhỏ, bởi vấn đề cấp thiết và lớn hơn được đặt ra ở đây là làm sao để không xảy ra biểu tình mới là điều cần nói. Cũng bởi, người dân Việt Nam vốn sống hiền hòa, yên bình và yêu sự thanh bình trong một đất nước mà chỉ có một Đảng lãnh đạo, khi mà lợi ích của Nhà nước cũng là lợi ích của tất cả nhân dân lao động. Chính vì thế, qua sự việc này cần thiết phải có sự đúc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật mà đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc để luôn có được sự đồng thuận và nhất trí trong nhân dân, tránh những sự biến xảy ra. Bởi tất cả mọi người dân Việt Nam đều mang trong mình một lòng yêu nước, điều đó đã minh chứng từ trong lịch sử và được nối tiếp đến ngày nay.

Một lần nữa xin khẳng định, việc có cho ra đời Luật biểu tình hay không cần phải có sự xem xét và cân nhắc kỹ nhằm tránh để lại những tác động, ảnh hưởng xấu, không hay và những hệ lụy nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là chúng ta cần xây dưng một khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh mà ở đó mọi thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều được người dân nắm bắt và thông suốt, tạo ra sự nhất trí cao và đồng thuận trong toàn thể quần chúng nhân dân.

(Theo butdanh)