Cán bộ xin lỗi để xoa dịu dư luận rồi chỉ để đó?
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn công khai xin lỗi người dân. Vì để xảy ra tình trạng hồ sơ quá bạn, nhiều đơn vị, phòng ban chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Trước đó, báo cáo số 1140/BC-VPCP, ngày 13/2/2019 của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương năm 2018. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có gần 4.000 hồ sơ quá hạn.
Trước nay, khi nói đến Thanh Hóa người ta thường nghĩ đến những lùm xùm về công tác cán bộ, về cái gọi là “hành là chính” trong giải quyết hành chính công. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi yêu cầu cán bộ các phòng ban phải xin lỗi người dân một cách nhanh chóng như hiện nay.
Trong thế giới văn minh, xin lỗi và từ chức là biểu hiện đạo đức của những nhà lãnh đạo, cán bộ nhà nước. Từ chuyện của Bộ Công Thương, lãnh đạo TP. HCM xin lỗi người dân Thủ Thiêm, vấn đề văn hóa xin lỗi một lần nữa đã được đưa ra bàn luận. Bởi trên thực tế, không ít bộ, ngành, địa phương mặc dù có xảy ra tình trạng, vụ việc “tai tiếng”, nhưng những người lãnh đạo vẫn giữ những thái độ im lặng, như vụ việc gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình vừa qua.
Xin lỗi là phần nào thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu về công tác quản lý, về việc thiếu trách nhiệm của cán bộ trong việc giải quyết nhu cầu hành chính công của nhân dân tại Thanh Hóa ở thời điểm hiện tại. Xin lỗi nhân dân là điều không hề sai, không có gì phải xấu hổ và đó cũng là một nét văn hóa cần được xây dựng trong thời buổi hiện nay.
Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực xây dựng một bộ máy hành chính của dân, do dân và vì nhân dân; một Chính phủ, kiến tạo và hành động, liêm chính và minh bạch. Ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc cán bộ không cần chỉ là giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân, mà cán bộ cần phải luôn nhớ “3 xin” là “xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi”. Đó là nét mới trong xây dựng văn hóa công vụ, hành chính ở Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.
Chính bản thân Thủ tướng cũng là người đã đưa ra lời xin lỗi với nhân dân khi cùng với thời điểm tháng 8/2016, đoàn xe tháp tùng của Thủ tướng đi vào phố đi bộ ở Hội An. Khi quy định chung là mọi người dân đều không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ xe máy trở lên đi vào khu vực này.
“Thậm chí Thủ tướng mà đi vào đường phố, mặc dù đã đi trước, đi bộ hàng cây số rồi, xe vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết được. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm” – Thủ tướng nói sự việc ở phố đi bộ ở Hội An.
Hơn nữa, một vấn đề có liên quan ở đây đó chính là Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các tỉnh thành phố, sở, ban, ngành phải quan tâm tới chính sách chặt chẽ theo hướng tạo thuận lợi cho người dân. “Không thể kéo dài tư duy cái dễ thì dành cho cơ quan nhà nước còn cái khó thì đẩy về phía người dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc xin lỗi của lãnh đạo, cán bộ thì dư luận có quyền chất vấn: Xin lỗi rồi sao nữa? Xin lỗi để xoa dịu dư luận hay chỉ để đó?
Khách quan mà nói, giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Thanh Hóa sau khi công khai xin lỗi người dân, thì cũng phải giải quyết toàn bộ những tồn đọng 4000 bộ hồ sơ trên.
Người dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, chỉ chấp nhận những lời xin lỗi nếu sau đó thủ tục hành chính tồn đọng và những thủ tục về sau sẽ được giải quyết một cách nhanh gọn. Chứ không phải xin lỗi chỉ là để “vừa lòng” và “tạm thời” theo yêu cầu của cấp trên.
Ngày hôm nay, Thanh Hóa đã xin lỗi nhân dân địa phương và giải quyết hậu quả của 4.000 hồ sơ bị chậm. Nhưng điều quan trọng mà nhân dân tỉnh này mong muốn, đó là liệu sau này có thêm hàng nghìn hồ sơ khác bị chậm hay không?
Lãnh đạo, cán bộ các cấp thì không thể ngày nào cũng gửi thư xin lỗi người dân, mà phải từng bước khắc phục, từ chính thái độ làm việc chuyên nghiệp, có năng lực để hạn chễ sự chậm trễ. Khi 4.000 bộ hồ sơ quá hạn, đồng nghĩa với việc bộ máy hành chính đại phương này chưa cao, chưa hiện đại, chuyên nghiệp và cần phải có những thay đổi kịp thời.
Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, cho thấy Thanh Hóa đứng trong Top 3 vị trí thấp nhất với 69,94 điểm. Vì thế, để xảy ra tình trạng báo cáo số 1140/BC-VPCP của Văn phòng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cần chấn chỉnh là điều vô cùng quan trọng.
Phải để chủ động yêu cầu xin lỗi, thì cũng thể hiện phần nào một khuyết điểm, thiếu sót của tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại. Nhưng việc cán bộ xin lỗi nhân dân, ở mức nào đó đã thể hiện sự lắng nghe phản án của nhân dân.
Sai với dân thì phải xin lỗi, để sửa lỗi và có trách nhiệm hơn trong vai trò công bộc của dân, việc này không có gì là xấu hổ, mà lại là một cử chỉ văn hóa. Người dân luôn rộng lượng với những công bộc biết lỗi và xin lỗi để sửa sai, nhưng chắc chắn họ cũng sẽ không tha thứ cho những lời xin lỗi theo kiểu “đầu môi chót lưỡi”.
Theo Butdanh.net