Bộ nào cũng “bom tấn sai phạm”: Rồi đất nước sẽ đi về đâu
Những ngày gần đây, câu chuyện gian lận thi cử đang khiến toàn xã hội bức xúc. Dù rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã tích cực bắt tay vào làm rõ những sai phạm trong đó nhưng lòng tin của mọi người thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Từ vụ việc này nhìn lại hoạt động của các Bộ trong thời gian vừa qua, tôi không khỏi giật mình. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có “điểm nhấn” gian lận thi cử thì các Bộ khác cũng có những món “đặc sản” chẳng hề kém cạnh. Như vậy, thử hỏi: liệu đất nước của chúng ta sẽ đi về đâu?
Vụ gian lận thi cử đưa những em từ trượt tốt nghiệp thành đỗ thủ khoa ở Hà Giang và hàng loạt địa phương khác đang khiến mọi người vô cùng hoang mang. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng xuất hiện những “bom tấn” nhưng những vụ “mặn” như gian lận thi cử trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua có lẽ cũng hiếm. Vậy nhưng cũng phải nói thẳng, chỉ riêng một vụ việc gian lận thi cử này cũng đủ khiến cho toàn xã hội nổi lên sóng gió bão bùng.
Tạm gác lại những đúng – sai, phải – trái trong vụ việc gian lận thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta cùng nhìn lại những “bom tấn” không hề kém cạnh của các Bộ khác để thấy được những nguy cơ mà đất nước đang phải đối mặt, thấy được đằng sau mặt hồ yên ả là rất nhiều mối nguy hại chập chùng.
Bộ nào cũng sai, bộ nào cũng “bom tấn”!…
Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của nước ta, nắm giữ quyền pháp. Hiện nay, Chính phủ nước ta được tổ chức thành 18 Bộ và 4 Cơ quan ngang bộ. Theo đó, 18 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế; Bốn cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Các Bộ và Cơ quan ngang Bộ tiến hành quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao; là cơ quan trực tiếp đưa các chủ trưởng, đường lối, chính sách, quyết sách của Đảng, của Quốc hội vào thực tiễn. Vậy nhưng đáng buồn thay, 18 Bộ của chúng ta, Bộ nào cũng có những sai phạm to đùng. Thậm chí, có những nơi từ ông Bộ trưởng đến ông Thứ trưởng đều sai thì liệu các quyết sách của Quốc hội, của Đảng làm sao đi vào thực tiễn. Và như vậy, thử hỏi đất nước sẽ đi về đâu?
Những “bom tấn” liên quan đến các Bộ thời gian có thể kể đến là: Bộ Quốc phòng gây chấn động với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân; Bộ Công an nổi lên với chuyện Cục trưởng C50 đứng đầu đường dây đánh bạc; Bộ Kế hoạch – Đầu tư bị “lên án” trước chuyện hàng loạt dự án đầu tư đội vốn; Bộ Tài chính gây bức xúc khi “năm lần bảy lượt” đề xuất tăng thuế; Bộ Công Thương có “đặc sản” doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỷ, càng hoạt động càng gây thiệt hại; Bộ Giao thông – Vận tải gắn liền với những BOT đầy tai tiếng; Bộ Tài nguyên – Môi trường khiến mọi người hoang mang khi đồng ý cho phép hàng loạt dự án có nguy cơ gây biến đổi môi trường được triển khai; Bộ Thông tin – Truyền thông ồn ào với vụ VAG khiến Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị kỉ luật; Bộ Y tế đóng góp “đặc sản” thuốc giả và Bộ Giáo dục và Đào tạo hết tiến sĩ giấy lại thêm vào gian lận thi cử… Ôi thôi, nhìn đâu cũng sai, nhìn đâu cũng lỗi. Đã vậy, những sai phạm này đâu nhỏ bé gì cho cam, tất cả đều diễn ra ở mức độ rất nghiêm trọng.
Đất nước đi về đâu?
Khi nhìn lại một cách toàn cảnh diện mạo sai phạm của các Bộ, tôi tin chắc không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người đều có sự lo lắng về tương lai của đất nước. Một đất nước mà nhìn vào đâu cũng thấy sai phạm, nhìn vào đâu cũng thấy bất cập thì chắc chắn đất nước chưa thể vững mạnh.
Trước đây, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đã không ít lần thể hiện sự trăn trở, băn khoăn về việc đất nước ta vì sao vẫn mãi chưa thể hóa rổng, hóa hổ. Vậy nhưng nếu nhìn lại hoạt động của các Bộ, chúng ta sẽ không khó để có được câu trả lời.
Nếu Bộ nào cũng đóng góp những “đặc sản”, nếu Bộ nào cũng tiếp tục gây “bom tấn” như trên thì tất yếu, đất nước ta sẽ trở nên hỗn loạn. Và đồng thời, chúng ta cũng chẳng bao giờ đủ sức hóa rồng, hóa hổ.
Sai phạm ở hầu hết các Bộ là sản phẩm trực tiếp của những sự thiếu minh bạch trong công tác cán bộ, là hệ quả tất yếu khi những “hạt giống đỏ” – những “con ông cháu cha” – liên tiếp được gieo rắc, sắp đặt ngồi vào các vị trí lãnh đạo. Muốn loại bỏ tận gốc mầm mống của sai phạm là điều không hề dễ. Vậy nhưng nếu không muốn cả xã hội ngã ngửa bởi những “bom tấn” của các Bộ thì chúng ta bắt buộc phải nhổ thật sạch những mầm mống sâu bệnh đang tồn tại.
(Theo But Danh)