Bộ GT-VT muốn dân nghèo cứu đại gia BOT: Đẩy khó khăn cho dân gánh là cách dễ nhất!
Quản lý nhà nước và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo cách đổ khó cho doanh nghiệp khác và người dân là cách dễ nhất, được Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) chọn.
Đại dịch COVID-19 càn quét khắp thế giới, giáng những đòn nặng nề vào nền kinh tế các quốc gia – từ những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật… đến những quốc gia nhỏ bé ở châu Phi hay Đông Nam Á.
Những trạm thu phí chốt chặn khắp các cung đường đất nước trở thành gánh nặng cho người dân lẫn doanh nghiệp
Những trạm thu phí “chốt chặn” khắp các cung đường đất nước trở thành gánh nặng cho người dân lẫn doanh nghiệp
Riêng tại Việt Nam, tuy không gây chết người, COVID-19 đã khiến đời sống của mọi người đảo lộn, nhiều doanh nghiệp lao đao; những khó khăn, thiệt hại thật khó đong đếm hết được.
Giữa thời thương khó ấy, đã có những tấm lòng mở ra, những cánh tay nâng đỡ nhau vượt qua đại dịch. Khắp cả nước, những cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng” mọc lên; nhiều tổ chức, cá nhân đã đồng lòng san sẻ khó khăn, mong cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Học sinh được phát khẩu trang khi trở lại trường, người lao động mất việc được trợ cấp. 62.000 tỷ đồng nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ, nhưng là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định kinh tế.
Không hề là quá lời khi nói Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống COVID-19, không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn sẵn lòng trợ giúp các nước bạn.
Thế rồi đùng một cái, ở thời “hậu cách ly”, khi từng người, từng ngành nghề đang tìm cách giúp nhau khôi phục sản xuất, quay lại với nhịp sống “bình thường mới”, Bộ GT-VT đã tung một đòn ác liệt vào những con người, doanh nghiệp chưa kịp hoàn hồn vì dịch bệnh: kiến nghị Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí.
Các trạm thu phí BOT chốt chặn trên những cung đường đất nước là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng, bởi chúng tác động rất nhanh đến nền kinh tế, khi mà chi phí vận chuyển (xăng dầu, tiền đường) luôn được cộng vào giá cả hàng hóa.
Tạm chưa bàn đến chuyện vị trí đặt các trạm có hợp lý không, mức thu, thời gian thu có hợp lý không (từng dẫn đến rất nhiều tranh cãi, bức xúc của giới lái xe và các doanh nghiệp vận tải) thì tăng phí ở các trạm BOT đồng nghĩa với đổ khó khăn lên đầu những doanh nghiệp vận tải đang điêu đứng hoặc đổ lên người dân khi chi tiền mua hàng hóa hoặc khi di chuyển giữa các địa phương. Mục tiêu của việc đổ khó này, không gì khác hơn, là để cứu các đại doanh nghiệp BOT, với những trạm thu phí to lớn, những thanh chắn lạnh lùng – nỗi khiếp sợ của tài xế, doanh nghiệp.
Lý do tiết kiệm cho ngân sách thật khó gọi là thỏa đáng, bởi tinh thần chung từ những cấp lãnh đạo cao nhất là Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn; tùy vào ngành nghề, đối tượng mà có những chính sách, khoản hỗ trợ cụ thể. Thậm chí, trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ, Chính phủ còn tạo điều kiện rút ngắn thời gian được hỗ trợ bằng cách khuyến khích mọi người đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, để tiền đến tay nhanh nhất.
Kiến nghị cho tăng phí BOT của Bộ GT-VT chỉ đơn giản là động tác móc tiền của doanh nghiệp này bù cho doanh nghiệp khác, móc tiền người dân đắp cho doanh nghiệp, miễn sao đảm bảo cho các dự án BOT không bị sụt giảm doanh thu. Đó là cách làm dễ nhất, bởi xe không thể không chạy, hàng hóa không thể không chở đi và với việc nhiều trạm BOT nằm trên những con đường độc nhất thì chẳng ai có thể tránh được.
Quản lý nhà nước và tháo gỡ khó khăn theo cách đó thì quả thật, không cần có tâm hay tầm, không cần phải đau đáu gì cho dân cho nước cũng có thể làm được. Nếu Bộ GT-VT chưa biết, xin được nhắc nhỏ là hiện nay, trên nhiều hành trình di chuyển, “tiền đường” mỗi chuyến xe phải đóng còn nhiều hơn cả chi phí nhiên liệu.
Ở một phương án khác, Bộ GT-VT kiến nghị Nhà nước bố trí hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án BOT – con số không hề nhỏ khi so sánh với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ cho cả nước.
So với việc các chủ nhà giảm giá, miễn tiền thuê; các doanh nghiệp vẫn gồng mình chăm lo đời sống nhân viên và các nỗ lực của Chính phủ; động tác xin cho tăng phí của Bộ GT-VT thật lạc quẻ và không có chút nào đồng cam cộng khổ; chỉ chăm lo tiện, lợi phần mình.
Phụ nữ Onlines