30.000 hoa đăng bằng nhựa và xốp thả xuống biển sẽ báo hiếu được cho người Mẹ nào?
30.000 chiếc đèn hoa đăng, bằng nhựa và xốp được thả xuống biển sẽ báo hiếu được cho người mẹ nào? Hay đó chính là sự đầu độc người mẹ chung của nhân loại: Mẹ thiên nhiên?
“Ngập ngụa” rác thải là từ mà báo chí dùng để mô tả biển Cát Bà sau đêm diễn ra lễ vu lan báo hiếu và Đại lễ đèn hoa đăng tại địa phương này.
3 vạn bông hồng cài áo. 3 vạn ngọn đèn hoa đăng được thả trên biển.
Chúng sẽ đi đâu sau nghi thức? Và tại sao lại là 3 vạn?
Đặt câu hỏi chỉ là để chính chúng ta cùng suy nghĩ về hậu quả của những con số, những kỷ lục về sự phô trương, hình thức, lãng phí… trong khi hậu quả của nó không khác gì đầu độc thiên nhiên.
Nhớ tháng 3 năm nay, những gì phát hiện trong bụng con cá voi chết khiến thế giới bàng hoàng: 16 bao đựng gạo, 4 bao tải và vô số túi nylon thường thấy ở siêu thị. Tổng cộng có tới 40kg rác thải nhựa trong bụng con cá voi xấu số. Trong số đó, có một pano nhựa được in bằng… tiếng Việt.
Và chính những dị vật không thể tiêu hóa này đã giết chết con cá voi xấu số.
“Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương” – phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ ra quân chống rác thải nhựa ngay đầu tháng 6 vừa rồi – một con số minh chứng cho điều mà Thủ tướng gọi là “vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu”.
Hình như có cái gì đó liên quan, giữa 13 triệu tấn rác thải nhựa. Tấm pano tiếng Việt. Những chiếc đèn hoa đăng thả trôi trên biển. Và thứ hạng không vui: Quốc gia đứng thứ 4 thế giới về phát sinh rác thải nhựa.
Chính phủ muốn thay đổi điều đó khi đặt mục tiêu: Đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Chúng ta cũng muốn thay đổi thứ hạng không hay đó.
Và sau lời kêu gọi của Thủ tướng, các địa phương, bộ, ngành vào cuộc bằng cách “nói không” với rác thải nhựa, hay đơn giản – nhưng mang tính biểu tượng – là việc dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa.
Sự nỗ lực từ Chính phủ, từ các bộ, ngành là chưa đủ, “Cuộc chiến” ấy phải bắt đầu từ sự hiểu biết và tự nguyện thực hiện từ chính người dân, bằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Bởi nếu chính những người dân biển vẫn coi biển như một hố rác tự nhiên khổng lồ, bởi nếu chính quyền vẫn chưa nhìn thấy ngọn đèn báo hiếu kia là sự bất hiếu với mẹ thiên nhiên thì cái thứ hạng đáng buồn kia còn rất lâu mới thay đổi được.
Theo nhà báo Đào Tuấn/ Báo Lao Động