Xuất 400.000 tấn gạo trong 1 nốt nhạc, cả nước vét mãi mới có 7.700 tấn dự trữ, chuyện gì đang xảy ra?
Mở khai hải quan từ 0h tới 3h sáng để xuất 400.000 tấn gạo, có lẽ chưa bao giờ thủ tục hành chính ở VN được xử lý nhanh gọn và rốt ráo đến như vậy. Mỗi DN chỉ được khai vỏn vẹn vài nghìn tấn thì với số lượng gạo trên hải quan sẽ phải hoạt động hết công suất mới duyệt nổi 1 tờ hải quan chỉ trong tầm 25 giây. 25 giây hàng nghìn tấn gạo xuất ngon ơ trong khi trong nước vót vét mãi mới chi được 7.700 tấn. Đây không phải gọi là lợi ích nhóm thì là gì hả bà con, là bọn mafia gạo, xã hội đen gạo ư?
Mở khai hải quan vào giờ thiêng lại chỉ dành cho những thành phần cốt cán (Vinafood1 – DN có nhiều công ty con hủy thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia với số lượng gần 7.200 tấn), còn lượng gạo đang tồn hơn 250.000 tấn chờ sẵn ở cảng biển thì vẫn chất đống. Những điểm bất thường rõ ràng như ban ngành như vậy vẫn được hải quan biện bạch một cách vô lý kiểu “Tổng cục Hải quan mở hệ thống tự động từ 0 giờ ngày 12/4, DN làm XK nhiều rồi đều biết khai báo 24/7, kể cả 0h sáng. Việc các DN nói không nắm được thông tin là do họ bị động, không phải do Hải quan”, và “chỉ đạo của Bộ Công Thương ngày 10/4 không nói cần ưu tiên cho 250.000 tấn gạo tồn ở các cảng biển dù đã được mở tờ khai trước đó”.
Chúng ta không biết liệu Hải quan có “xi nhan” trước cho một số DN tay trong, có cố tình bóp nghẹt đường sống của các DN tay ngoài khác hay không, nhưng rõ ràng cách thức làm việc của Hải quan hiện nay là quá cứng nhắc và máy móc, thậm chí là thiên vị.
Vinafood1, một trong những cái tên nên được nhắc tới trong thương vụ gạo xuất khẩu cái rẹt này cũng được ưu ái đến lạ. Năm 2019, Vinafood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân: 4.200 đ/kg lúa 504, Vinafood1 lợi đậm. Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, Vinafood 1 ký HĐ bán gạo cho Cuba – giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.
Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để trồng lúa thơm. Nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg – 5.300 đ/kg, tương đương gạo phải 380 USD/ tấn. Vinafood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, lúc đó thì lập tức có công văn khẩn xin dừng xuất khẩu gạo, giá lúa trong nước lập tức giảm theo đúng ý Vinafood1. Đấy là Vinafood1 chỉ là một trong hàng chục “DN sân sau” được ưu ái, hãy còn Vinafood 2, Intermex và 3 doanh nghiệp nữa không tiện nêu tên, vậy thì bác nông dân biết phải làm sao?
Trước sức ép về an ninh lương thực, Thủ tướng ra chỉ thị dừng xuất khẩu gạo từ 0g ngày 24/3, thế nhưng sau đó lệnh này đã được dừng vì Bộ Công thương khi đó đảm bảo lượng gạo dự trữ. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, rất nhiều doanh nghiệp đã được Tổng cục dự trữ phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu lập tức có văn bản từ chối ký hợp đồng. Điều này dẫn tói việc Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ mua được 7.700 tấn gạo. Tuy nhiên, ít ai biết Tổng cục dự trữ cũng ôm được mớ tiền đền hợp đồng vì đã bỏ cọc của các DN đấu thầu.
Vì sao các DN sân sau bỏ thầu, vì họ thà bỏ số ít tiền cọc còn hơn là món hời từ việc xuất khẩu gạo trước mắt. Trong vụ bán 400.000 tấn gạo trong chớp mắt, Hải quan cũng đã ưu ái cho Vinafood 1, Vinafood 2, Intermex và 3 doanh nghiệp khai báo thông quan số lượng lớn trong khi hàng trăm doanh nghiệp khác đang xếp hàng từ lâu và có hàng đang kẹt ở cảng thì không được ưu tiên thông quan. Rõ ràng, dù xuất hay không xuất các “DN sân sau” cũng được các bên xoay sở sao cho bằng mọi cách họ đều có lời, bất chấp bác nông dân và các DN tay mơ khác đang đứng bên bờ vực thẳm.
Hiện có hơn 3 triệu tấn gạo chờ xuất khẩu, theo đề nghị của Bộ Công thương là 800.000 tấn được chia đều cho hai tháng 4 và tháng 5. Vậy là 400.000 tấn gạo của tháng 4 được giải quyết xong. Vậy là trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều đợt xuất khẩu gạo nữa. Chắc hẳn sẽ còn được chứng kiến rất nhiều chiêu trò của nhóm lợi ích xuất khẩu gạo. Vở kịch hãy còn dài, nếu không xử lý được nhóm lợi ích này có lẽ kịch hay sẽ không bao giờ hạ màn.
Chỉ với 7.700 tấn gạo dự trữ, tình hình an ninh lương thực sắp tới thực sự rất đáng lo nếu dịch có diễn biến kéo dài trong khi ĐBSCL đang bị khô hạn . Nhìn cảnh người dân chen chúc dẫm đạp lên nhau để lấy gạo miễn phí thật đau lòng! Trách người dân một thì trách bọn lợi ích nhóm mười ! Không chỉ người nghèo khổ, nông dân cũng khổ, người dân cũng khổ vì bị bọn chúng hút máu không thương tiếc!
Theo Tâm bão