Trả tiền để quan chức nghỉ việc nhường suất cho con cháu, tiền này ở đâu ra?
Sáng nay, ngày đầu năm 2020, thấy nhiều báo viết: “Bí thư xã ở Hà Tĩnh gương mẫu nghỉ việc được nhận 760 triệu”. Có ảnh và tên tuổi, chức vụ người đó luôn: Đó là ông Phạm Đức Trung (SN 1968), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Tôi xin lỗi ông Trung là nêu ông lên đây, mặc dù ông chẳng có lỗi lầm gì, thậm chí ông được khen là gương mẫu. Tuy nhiên, tôi thấy người ta trả tiền (nhiều tiền hẳn hoi) để động viên quan chức nghỉ việc là một nghịch lý lớn. Thông thường, người ta trả tiền cho công việc người đó làm, chứ ít nơi nào trả tiền để người ta nghỉ việc.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân, việc ông Trung hưởng số tiền khoảng 760 triệu đồng khi viết đơn nghỉ việc là căn cứ nghị định 108, 113, theo nghị quyết HĐND tỉnh, nghị quyết HĐND huyện.
Tôi muốn hỏi HĐND tỉnh Hà Tĩnh, HĐND huyện Nghi Xuân là căn cứ vào đâu để thông qua nghị quyết 108, 113 trả tiền cho công chức, quan chức chưa đến tuổi hưu nhưng nghỉ việc? Điều này trái thông lệ trên thế giới, cũng như trái tinh thần hiện nay ở Việt Nam – Việt Nam vừa thông qua Luật Lao động sửa đổi, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Thông lệ là có làm thì mới có hưởng, không làm không hưởng. Ấy vậy mà ở Việt Nam thì được trả tiền để không làm việc nữa. Cụ thể, ông Phạm Đức Trung đã có 31 năm công tác, làm cán bộ xã. Hiện vẫn còn khoảng 11 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng ông nghỉ ngay từ năm nay và nhận 760 triệu đồng cho 11 năm không làm việc đó. Lý do là “nhường suất lại cho các em, các cháu phát triển…”. Theo cách nói của ông Trung và cách giải thích của Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Nghi Xuân, nếu ông Trung làm thêm 11 năm nữa, ngoài tiền lương ra, số tiền ông kiếm được ít nhất là 760 triệu nữa. Tiền này ở đâu ra nhỉ? Chúng có sạch không? Có hợp pháp không? Theo tôi thì tiền đó không thể sạch, không thể hợp pháp được.
Bằng cách trả khá nhiều tiền cho công chức, quan chức nghỉ trước khi đến tuổi về hưu, chúng ta công khai công nhận rằng, công chức, quan chức tại vị, ngoài tiền lương, tiền thưởng ra, họ còn nhận được những khoản kha khá, phụ thuộc vào cơ quan đó có màu mỡ đến cỡ nào.
Tôi nói điều này là có căn cứ đấy. Tôi có một người thân giữ chức Cục trưởng một cục khá “màu mỡ”. Bỗng một hôm có mấy người cùng cơ quan với người thân của tôi đến mời tôi đi nhậu rồi đặt vấn đề: Tôi thuyết phục để người thân của tôi nghỉ hưu trước 1 năm. Làm như thế thì ông cục phó mới còn đủ để được bổ nhiệm cục trưởng. Tôi nói lại với người thân của tôi. Ông lặng đi một lúc rồi nói: “Tôi nghỉ sớm một năm là thiệt mất 500 triệu đồng đấy! Ngồi ở vị trí này, không cần phải ra chiêu, ra đòn; không cần phải mưu mẹo gì thì trong các ngày lễ, tết; các phòng ban và các đơn vị cơ sở cũng bỏ tiền vào phong bì đưa đến. Đây không phải là tiền sạch, tiền hợp pháp nhưng cũng không phải là tiền bóp nặn trắng trợn…”. Tuy nói vậy nhưng người thân của tôi cũng nghỉ sớm để phó của ông lên thay.
Bây giờ, trong quá trình sắp xếp lại các đầu mối của bộ, ngành, địa phương; số công chức, quan chức dư ra cỡ 5.000. Và muốn 5.000 người này nghỉ một cách êm thấm thì phải chi tiền khá nhiều (chỉ cái chức bí thư đảng ủy xã đã mất 760 triệu đồng!). Tôi không hiểu chúng ta sáng suốt kiểu gì mà sinh ra một bộ máy hành chính cồng kềnh, nay muốn tinh giản thì phải chi rất nhiều tiền với lập luận: “Họ là cán bộ, công chức; họ không có việc làm nhưng vẫn sống, vẫn ăn, mặc… thì phải chi tiền cho họ”. Ơ hay! Có những chức phải bầu mới được làm, không bầu thì thôi. Còn công chức, công nhân không có việc làm thì hưởng lương thất nghiệp rồi đi tìm việc chứ sao Nhà nước lại phải trả một cục thế kia?!
Nói tóm lại, tôi thấy là trả tiền để quan chức không làm việc nữa là một nghịch lý rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi phản biện; đây là phản biện của tôi đối với chính sách trả cho một bí thư đảng ủy xã nghỉ việc những 760 triệu đồng. Tôi phản đối việc này và muốn được giải thích có sức thuyết phục.
(Nguồn: FB Phạm Đăng Quỳnh)