Lãnh đạo Việt Nam chuyên quyền, độc đoán đâu phải ít

Tuần qua, trên Website của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa đăng bài viết “Thương vụ AVG – Khi Ban Cán sự Đảng bị vô hiệu hóa”. Bài báo cho hay ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ có hành vi chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan mình.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Không biết, trên thực tế, còn bao nhiêu ông “Nguyễn Bắc Son” vẫn đang tồn tại? Có lẽ, con số này không nhiều nhưng chắc chắn cũng không phải là ít.

Nhìn nhận một cách thẳng thắng, chúng ta phải thấy rằng chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng vẫn tồn tại trong không ít cơ quan nhà nước. Chính điều này đã dẫn đến vô số hệ lụy tai hại trong hoạt động của cơ quan công quyền. Cùng với đó, biểu hiện của sự chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng này cũng không chỉ dừng lại ở vị trí những người đứng đầu. Tùy theo từng vị trí khác nhau mà sự phân cấp của việc chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng được biểu hiện khác nhau. Và hiển nhiên, hệ quả cuối cùng của những sự chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng này là những thiệt hại cả về vật chất lẫn phi vật chất.

Chuyên quyền, độc đoán: không chỉ ông Nguyễn Bắc Son?!

Việc chỉ thẳng mặt, điểm thẳng tên ông Nguyễn Bắc Son có hành vi “độc đoán, gia trưởng, vô hiệu hoá cả Ban Cán sự Đảng” của Ủy ban kiểm tra trung ương là một điều rất đáng hoan nghênh. Nó cho thấy chúng ta đang nhìn thẳng vào sự thật, không bao che cho người sai phạm; nó thể hiện cho sự quyết tâm trong việc làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng cần thấy rằng không chỉ riêng gì ông Nguyễn Bắc Son mà trong tổ chức của cơ quan công quyền hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều người chuyên quyền, độc đoán. Những người nắm trong tay quyền lực sẵn sàng xử lý những kẻ dám “đòi” dân chủ. Họ áp đặt suy nghĩ, quan điểm, lợi ích của mình vào công việc của tập thể. Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”. Chẳng vậy mà một ông Chi cục trưởng tại Hà Nội trước khi nghỉ hưu vẫn “đánh nhanh, rút gọn” bằng cách bổ nhiệm con trai vào vị trí Phó phòng vì… chức đó bé tí mà. Chẳng vậy mà những chuyện thăng tiến thần tốc, bổ nhiệm sai quy định, nâng đỡ không trong sáng v.v… vẫn liên tiếp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành cũng như các cơ quan, đơn vị.

Hệ lụy của của việc này thì có lẽ ai cũng rõ: Tiền mất, tật mang; uy tín giảm sút, nội bộ lục đục… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhấn mạnh: “đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì làm sao dân chủ”.

Để rồi sau đó, việc cơ quan bị thâu tóm vào tay của một người, một nhóm người diễn ra dẫn đến những cuộc truyền ngôi theo kiểu thế tập; để rồi sau đó, tham ô, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm bủa vây mọi thứ.

“Thuốc” trị chuyên quyền, độc đoán

Như chúng ta thấy, chuyên quyền, độc đoán vẫn luôn được che đậy rất chặt chẽ bằng những tấm vỏ bọc ngụy tạo. Có lẽ, chỉ khi nào sai phạm “to như cái đình” bị phanh phui, chỉ khi kiện tụng, thậm chí là đấu đá nội bộ diễn ra hoặc những thiệt hại được thể hiện rõ ràng trên thực tế thì cái đuôi của sự chuyên quyền, độc đoán mới được dần dần hé lộ.

Vậy làm sao để trị được sự chuyên quyền, độc đoán và gia trưởng này?

Nói thì luôn dễ nhưng chúng ta phải thấy rằng, khi một người chuyên quyền, độc đoán làm lãnh đạo thì họ sẽ chẳng ngần ngại để trừ khử những người đi ngược lại ý muốn, quan điểm của mình. Mà vì miếng cơm, manh áo, nhiều khi cấp dưới đành chấp nhận sự gia trưởng, thậm chí là a dua theo nó để bảo vệ chính mình. Để rồi sau đó, mọi người mất đi ý thức đấu tranh, bị lao vào một vòng luẩn quẩn, sai phạm nối tiếp sai phạm, sự chuyên quyền nối tiếp sự chuyên quyền.

Ai cũng biết, đối ngược với chuyên quyền, độc đoán là dân chủ. Vậy nhưng làm sao phát huy được dân chủ lại là một câu hỏi lớn.

Muốn trị được sự chuyên quyền, độc đoán trong cơ quan công quyền, thiết nghĩ, cùng với việc kêu gọi những người trong cơ quan, đơn vị phát huy vai trò làm chủ của minh thì chúng ta cần phải bảo đảm dân chủ từ trên mà xuống. Nghĩa là ở đây, các cấp lãnh đạo phía trên cần đi sâu, đi sát vào hoạt động của cấp dưới; chủ động nắm tình hình hoạt động của các đơn vị bên dưới và sẵn sàng xử lý những người sai phạm, có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng.

Kỉ cương, phép nước thời gian vừa qua đã bị xâm phạm nghiêm trọng bởi những người mang quyền lực. Thiết nghĩ, thời gian tới, chúng ta phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, sẵn sàng tiếp thu và xử lý những ý kiến tố giác của người dân, chủ động trong việc nắm tình hình để kịp thời xử lý những người có biểu hiệ lệch lạc, sai trái.

(Theo but Danh)