Tăng trưởng GDP của Việt Nam xếp tốp đầu thế giới, thu nhập người dân gần bét khu vực

Tấm hình này thể hiện sự hoan hỉ của các nhà lãnh đạo Việt Nam vì GDP tăng cao. Cứ tạm tin vào số liệu do nhà nước đưa ra, nhưng ít ra, nhà nước cũng đã sử dụng khái niệm tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP khác với phát triển. Tăng trưởng GDP đơn thuần là con số bề nổi, trong khi phát triển thuộc về chiều sâu. Nói nôm na, tăng trưởng GDP cao không phải là sự phát triển bền vững, nhưng nhiều trường hợp, tăng trưởng GDP thấp lại là phát triển bền vững.

Đầu tư công của Việt Nam quá cao, và tỉ suất đầu tư cao trong đầu tư công của Việt Nam sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP, và liệu đó là phát triển bền vững?

Việt Nam phá đi 10.000 ha rừng và đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng để trồng rừng cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP, và liệu đó có phải là phát triển bền vững?

Giá xăng dầu và giá điện tăng cao sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, qua đó nâng cao doanh thu của doanh nghiệp, và đó chính là tăng trưởng GDP. Và, tăng trưởng kiểu tăng giá liệu có phải là phát triển bền vững?

Chi phí logistics (chi phí giá thành sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng) nằm ở mức cao nhất thế giới, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) là vào khoảng 25-27%, trong khi chi phí trung bình của thế giới vào khoảng 15%, cũng chính là tăng trưởng GDP. Nhưng liệu tăng trưởng GDP kiểu này có phải là phát triển bền vững và giúp đất nước phát triển?

Đầu tư vào bất động sản cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP, nhưng có ai thống kê có bao nhiều ngàn căn hộ ma, khu đô thị ma trên toàn cõi Việt Nam?

Tham nhũng trong hệ thống nhà nước đã đẩy chi phí lên cao, và đó chính là tăng trưởng GDP, nhưng tăng trưởng đó có mang lại lợi ích thật sự cho đất nước?

Tất cả các loại thuế phí đều tăng cao đang góp phần đẩy GDP tăng cao, nhưng liệu thuế phí tăng cao có giúp cho đất nước phát triển?

Chỉ những câu hỏi đơn giản vậy thôi cũng đủ khẳng định rằng, sự tăng trưởng của Việt Nam không phải là sự phát triển bền vững trong khi phát triển bền vững mới chính là giải pháp để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh.

Tất cả các quốc gia phát triển đều có mức tăng GDP khiêm tốn, chỉ ở mức 2-3% mỗi năm, trường hợp Nhật Bản chỉ tăng 1,5% trong khoảng 20 năm. Thế nhưng, các quốc gia đó vẫn phát triển liên tục, đời sống của người dân luôn được cải thiện. Vì các quốc gia đó phát triển bền vững, không có đầu tư công lãng phí, không bức tử thiên nhiên để rồi dùng ngân sách khủng để cứu thiên nhiên, không có nhũng nhiễu trong hệ thống công quyền nên dẫn tới chi phí hàng hóa thấp……

Đã đến lúc Việt Nam không nên coi trọng tăng trưởng GDP mà nên coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển. Và cũng đến lúc Việt Nam không nên tự hào về GDP cao của mình.

Fb Chu Vĩnh Hải