Tại sao tước đi mạng sống của Hiến, mà lại khoan hồng cho bọn “cưỡng đất” của dân?

Mấy ngày nay dư luận rất phẫn nộ trước thông tin người nông dân bần cùng Đặng Văn Hiến bị tòa tuyên án tử hình, trong khi đó tòa lại giảm án cho ông Thiên Sửu – ông chủ Long Sơn. Ông Sửu được giảm án từ 6 năm xuống 4 năm, cháu ông Sửu người tổ chức, dẫn lực lượng đi cưỡng chế rẫy của dân giảm án từ 4 năm xuống 2 năm.

Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000 ha đất vào năm 2008 nhưng phần lớn cây điều, cây cà phê của người dân bị san ủi qua giám định đều trên 11 năm tuổi. Việc giao đất chỉ thực hiện trên giấy, không cắm mốc thực địa. Một phần diện tích đất giao phủ lên đất của bà con tiểu khu 1535 đã xâm canh ổn định trước đó. Đây là vùng đất giáp biên giới Cam-pu-chia, nằm sâu hun hút so với khu dân cư tập trung. Lúc bà con TK 1335 đến xâm canh, gần như chưa có dấu chân người. Phần đa dân xâm canh là người dân tộc Nùng đến từ miền núi phía Bắc. Đây có thể xem là một đợt di dân kinh tế, thoát nghèo, cải tạo đất và gìn giữ chủ quyền vùng biên.

Người thân của anh Hiến gục ngã khi nghe tòa tuyên án

Vì lẽ đó, quyết định giao đất cho Cty Long Sơn đã gặp phải sự phản ứng của người dân, tuy vậy người dân vẫn rất thiện chí để thỏa thuận bồi thường. Nhưng nhận lại là sự xem thường pháp luật của Long Sơn và vô cảm của chính quyền địa phương. Họ thẳng thừng từ chối bồi thường vườn rẫy của dân. Tổ chức nhiều cuộc “cưỡng chế”, san ủi cây trồng, phá hủy nhà cửa, lấp giếng sinh soạt…trong suốt 8 năm (2008 – 2016). Đáng chú ý, vào năm 2013, Long Sơn thuê giang hồ, cầm đầu là “Thành nghĩa địa” tổ chức hơn 100 người, vây ráp và san bằng nhiều nương rẫy của dân. Tiếp đó, ông Thiên Sửu đã từng đứng trước dân, xưng “tao là con trời” thực hiện những việc tượng tự. Trong thời gian này, không ít người bị khởi tố (bắt oan – sau đó thả) vì dám chống lại ông trời này. Một cụ già từng bị trói vào gốc cây nhìn vườn điều mình bị ủi…

Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi, nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Chính quyền địa phương cũng không có giải pháp gì. Ông Thiên Sửu lại “thay trời hành đạo”. Bất chấp cả chỉ đạo của đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.Thậm chí, sau khi gây án anh Hiến đã chủ động liên hệ với luật sư, nhà báo để nhờ đưa ra đầu thú tại Bộ Công an mà không chịu đến công an địa phương vì đã mất niềm tin từ trước.

Rõ ràng, sự việc đến cơ sự ngày hôm nay nguyên nhân xuất phát từ chính quyền địa phương rất lớn. Người đẩy anh Hiến vào con đường bần cùng không ai khác là chính quyền địa phương. Người dung túng cho ông Thiên Sử như ông trời con ở vùng đất giáp ranh biên giới này cũng là chính quyền địa phương. Chính quyền thờ ơ vô cảm, doanh nghiệp lộng hành, giang hồ, coi tài sản của dân như cở rác, tính mạng của dân do mình định đoạt và lúc ấy Chí Phèo đưng đại ra đời.

Khi một vị luật sự yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, xử lý cá nhân liên quan đến đã thiếu trách nhiệm trong việc “tháo ngòi nổ”, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, còn có việc cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh đã thiếu trách nhiệm khi cấp giấy đỏ cho Công ty Long Sơn chồng lên đất người dân vốn đã khai hoang canh tác trước đó hàng chục năm. Người ta có quyền nghi ngờ về việc này khi cuộc sống của người dân hiển hiện trên mảnh đất đó là có thật, nước mắt, mồ hôi của người khai hoang là có thật.

Nhưng phần nhận định của bản án đã khiến nhiều người thất vọng khi tòa cho rằng cơ quan điều tra đã tách vấn đề này ra và chuyển cho địa phương xem xét để xử lý nội bộ trách nhiệm của cán bộ từng cấp liên quan. Điều này có nghĩa là HĐXX đồng tình với cách xử lý mang tính đóng cửa bảo nhau, dĩ hòa vi quý mà có lẽ kết quả sẽ không được công bố. Trong khi theo thẩm quyền, dù có tuyên án hay trả hồ sơ HĐXX cũng có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng cơ quan một cách quyết liệt và thấu đáo.

Anh Hiến không phải kẻ máu lạnh mà là một nông dân chân chất như bao người khác nhưng vì đâu bị cáo lại phải chuẩn bị súng tử thủ để đến nỗi gây ra vụ trọng án. Những nạn nhân trong vụ án cũng là con em nông dân, chỉ có điều vì miếng cơm manh áo họ đã mặc lên người chiếc áo công nhân của Công ty Long Sơn. Họ được tập hợp và được chỉ đạo mang máy móc, vũ khí vào trấn áp, san ủi đất theo sự chỉ đạo và tính toán của những người đứng đầu Công ty Long Sơn. Họ cũng là nạn nhân đáng thương dưới họng súng của những người khốn cùng. Vậy sao cơ quan tố tụng và cơ quan có thẩm quyền không truy đến cùng nguồn gốc của hành vi phạm tội? Thậm chí lại khoan hồng cho kẻ giang hồ lộng hành coi trời bằng vung?

Thu An (TH)

Xem thêm: Súng sẽ tiếp tục nổ nếu người nông dân bị bần cùng hóa vì tranh chấp đất đai