Lãnh đạo mà chỉ nghĩ đến chữ “lợi” của mình thì dễ thành hại dân, hại nước…
Phàm là con người, không ai không nghĩ đến chữ “lợi” nhưng là lãnh đạo mà không biết vì nước, vì dân, chỉ chăm chăm cho chữ “lợi” của mình thì rất dễ trở thành hại dân, hại nước…
Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 2/7 vừa qua, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu lên một thực tế đáng suy nghĩ hiện nay, đó là “vẫn còn tình trạng ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá”, theo một bài báo trên Dân trí.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc chuẩn bị một số dự án luật còn chậm, phải xin lùi tiến độ; có dự án luật hồ sơ chưa đúng quy định. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp.
“Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra giám sát và trách nhiệm người đứng đầu”- Ông Dũng nói.
Quả thật, đây là một thực tế đáng suy nghĩ, đáng lo ngại bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của xu hướng xã hội hiện nay trông đợi rất nhiều vào những ý tưởng đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chấp nhận cả sự mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm.
Đã qua rồi cái thời của chủ nghĩa kinh nghiệm “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa – Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” và cũng qua rồi cái thời dò dẫm nửa tiến, nửa lùi.
Thế nhưng ở ta, tiếc thay trong tư duy của một số (nhưng không ít) cán bộ không chỉ thiếu ý tưởng sáng tạo mà buồn hơn, khi có được ý tưởng đó thì “né tránh, ngại đề xuất”.
Vì sao vậy?
Có thể có nhiều lý do, song theo người viết bài này có lẽ không khó để nhận thấy hai nguyên nhân, đó là tính rụt rè do giáo dục và sự tính toán với chữ “lợi”.
Về ý thứ nhất, chính nền giáo dục “thầy đọc, trò chép”, “gọi dạ, bảo vâng”, thiếu tư duy phản biện đã nảy sinh ra tính cách rụt rè, né tránh.
Một minh chứng rõ nhất là ở các sinh viên Việt Nam học tập tại nước ngoài. Cũng con người ấy nhưng chỉ sau một thời gian đào tạo, họ như “lột xác”, luôn luôn muốn bày tỏ và khẳng định. Tất nhiên, kèm với đó là tinh thần tự chịu trách nhiệm, “được ăn, thua chịu”.
Nguyên nhân thứ hai, điều này thấy rất rõ ở không ít cán bộ, công chức, thậm chí là cương vị lãnh đạo. Đó là tư tưởng ỉ lại vào “trách nhiệm tập thể” mà sâu xa là bài toán về chữ “lợi”.
Những “tấm khiên” mang tên “tập thể quyết định”, “tập thể chịu trách nhiệm” trở thành “lá bùa” cho sự yếu kém năng lực và cả tư tưởng trốn tránh trách nhiệm, lấy đây làm nơi “trú ẩn an toàn”.
Nếu thành, tất nhiên công thuộc về tập thể mà ở đó, “đường sữa trên xuống, cuốc xẻng dưới lên”, không ít trường hợp lãnh đạo không hưởng hết nhưng chỉ… gần hết, từ vật chất đến danh hiệu.
Ngược lại, nếu thất bại thì tất nhiên cái này thuộc về trách nhiệm tập thể với đầy đủ dẫn chứng ngày này, tháng này, tại cuộc họp này có bằng này phần trăm (hầu hết là 100%) ý kiến.
Và khi đó cũng tất nhiên là “tập thể chịu trách nhiệm” mà tập thể chịu trách nhiệm tức là… chẳng có ai chịu cả, trừ… nước và dân chịu tất.
Như vậy là bài toán chữ “lợi” đã có đáp số, được thì cá nhân hưởng mà thua thì tập thể chịu.
Cho nên, ngoài việc cần phải đổi mới triệt để tư duy giáo dục “gọi dạ, bảo vâng” thì một điều rất cần, đó là làm rõ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa “trách nhiệm người đứng đầu” không chỉ ở sự thành bại mà còn ở tính đột phá.
Hãy để những cán bộ lãnh đạo thiếu tính sáng tạo, không dám đột phá đứng sang một bên bởi họ đã lỗi thời hay nói cách khác, đây không phải là thời của họ.
Phàm là con người, không ai không nghĩ đến chữ “lợi” nhưng là lãnh đạo mà không biết vì nước, vì dân, chỉ chăm chăm cho chữ “lợi” của mình thì rất dễ trở thành hại dân, hại nước…
Bùi Hoàng Tám