Sao tiếng nói đầu tiên chống ngoại xâm trước nghị trường lại là của phụ nữ mà không phải đàn ông?
Hôm nay – 27/5/2019, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đăng lại lời phát biểu của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 ngày 28/3/2016 về “ 7 điều lo 3 điều ước”.
1. Trong 7 điều lo, đáng trọng nhất là điều lo số 1:
“ Thứ nhất là nạn ngoại xâm khi Trung Quốc ngày càng lấn tới, khiêu khích trên Biển Đông . Từ việc chiếm Hoàng Sa, Bắc Kinh nay đã chiếm một số đảo của Trường Sa, bồi lắp, tôn tạo các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây các công trình trái phép trên Biển Đông. Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc ngày càng lấn tới. Quốc hội cần có tiếng nói mãnh mẽ hơn, đề xuất các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.”
Như vậy, Đại biểu Quốc Hội Võ Thị Dung đã nêu đích danh Trung Quốc là kẻ xâm lược. Không phải là đồng chí.
Không có “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Không có “16 chữ vàng”: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” .
2. Trong 3 điều ước, đáng chú ý nhất là điều ước số 1:
“Có một bộ máy công quyền thật sự dân chủ”.
Rõ ràng, muốn “có một bộ máy công quyền thực sự dân chủ” thì phải có nền dân chủ đích thực cho toàn dân.
3. Biết rằng, không phân biệt nam nữ, nhưng bảo vệ gia đình là chức năng thiên phú của phụ nữ, đánh giặc ngoại xâm là bổn phận thiên phú của giới đàn ông. Sao tiếng nói đầu tiên chống ngoại xâm trước nghị trường lại là của phụ nữ?
Cho đến nay “7 điều lo” của bà Võ Thị Dung vẫn còn nguyên đó. Và “3 điều ước” vẫn cứ là điều ước.
Không biết trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 này có đấng mày râu nào dám nói lại hai điều quan trọng trên của bà Võ Thị Dung hay không?
4. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ ý nhắc nhở các Đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7 khóa 14, nên xin các vị đừng đắm chìm vào rượu bia – quản lý rượu bia là tác nghiệp của chính phủ – mà phải lo những việc quốc gia đại sự. Bởi thế, thiết nghĩ cần phải viện dẫn lại ở đây lời phát biểu của bà Võ Thị Dung.
Dưới đây là “ 7 điều lo 3 điều ước’’ của Đại biểu Võ Thị Dung:
“Thứ nhất là nạn ngoại xâm khi Trung Quốc ngày càng lấn tới, khiêu khích trên Biển Đông . Từ việc chiếm Hoàng Sa, Bắc Kinh nay đã chiếm một số đảo của Trường Sa, bồi lắp, tôn tạo các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây các công trình trái phép trên Biển Đông. Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc ngày càng lấn tới. Quốc hội cần có tiếng nói mãnh mẽ hơn, đề xuất các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thứ hai là vấn đề nội xâm, đó là vấn nạn tham nhũng, lót tay, lại quả, phong bì gây nguy hại cho xã hội, làm người dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền. Công tác chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn của cử tri.
Thứ ba là suy thoái về đạo đức xã hội, một bộ phận xã hội thực dụng, thờ ơ, những vụ trộm cắp xảy ra gây bất an cho cộng đồng…
Thứ tư là nỗi lo về phát triển khi Việt Nam đang tụt hậu về kinh tế, năng suất lao động thấp trong khu vực, quá trình đổi mới chưa theo kịp một thế giới đang phát triển năng động mỗi ngày trong thời đại toàn cầu hóa. Quốc hội cần phát huy vai trò là cơ quan ban hành luật, chính sách “đón đầu” xu thế phát triển để khơi dậy các nguồn lực của đất nước.
Thứ năm là nỗi lo nợ công cao, bội chi ngân sách tạo gánh nặng về tài chính cho quốc gia. Những công trình xây dựng lãng phí, chi quá trớn nhiều hơn thu ở nhiều địa phương cần được xem là vấn nạn để giải quyết, ngăn chặn.
Thứ sáu là nỗi lo về văn hóa suy thoái, các giá trị truyền thống bị mai một. Tất cả đòi hỏi quốc hội phải giám sát các hiện tượng tiêu cực này để chấn chỉnh.
Thứ bảy là thiếu kỷ cương, kỷ luật trong điều hành của bộ máy công quyền làm giảm niềm tin của người dân và giảm động lực phát triển của xã hội.
Người dân chỉ mong ước 3 điều đó là có một bộ máy công quyền thật sự dân chủ, đất nước yên bình phát triển và văn hóa ngày càng tốt đẹp.”
FB Nguyễn Ngọc Chu