Quốc hội hết việc rồi hay sao?
Tôi thấy tại kỳ họp lần này, một số đại biểu tranh luận về “thế nào là người tài” và thực sự ngạc nhiên, và nghĩ: Có lẽ quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra “tiêu chí” về “thế nào là người Tài”.
Lạ thật, từ xửa từ xưa, khái niệm người tài, thì ai cũng hiểu đó là người có trí tuệ, có những phẩm chất mà người thường không có… Và nôm na đó là người: Làm giỏi công việc của mình và có sự sáng tạo…
Còn muốn biết người đó có tài hay bất tài, hay bình thường, thì chỉ có người lãnh đạo có Tài, có Đức mới cảm nhận được, phát hiện được, và muốn có người Tài thì cũng phải có cách chăm bón, rèn rũa và quan trọng hơn cả là: Phải tạo điều kiện cho người Tài phát triển.
Có một thực tế là, hiện nay, với các cơ quan Nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước… người Tài không có đất “dụng võ”, không được tạo điều kiện phát triển, bởi lẽ: Chúng ta đang làm công tác cán bộ theo… “quy trình”. Cái gì cũng phải đúng quy trình, đúng quy hoạch… tài ở đâu không biết, nhưng nếu không đúng quy trình thì “hãy đợi đấy”.
Một vấn đề nữa là chúng ta đang thực hiện nguyên tắc “lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”. Chính nguyên tắc này đã “góp phần” quan trọng vào “triệt tiêu óc sáng tạo, tư duy độc đáo cũng những người Tài.
Khi thành công thì đó là “trí tuệ tập thể”, còn khi thất bại, thì chả mấy khi tập thể chịu trách nhiệm, mà lúc đó cá nhân giơ đầu chịu báng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, câu khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã biến mất trong hệ thống chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước. Và hiện nay, có câu rất hay: “Không làm lãnh đạo không chết. Nhưng không có quyền công dân là… chết!“, cho nên, chẳng việc gì phải hăng hái? Bởi lẽ, làm mười việc, đúng 9 thì được tờ giấy khen A4, còn sai một tý là coi như… đứt! Cho nên “an toàn là…bạn!”.
Cũng tại kỳ họp này, đã có những ý kiến là phải “cắt lương hưu”; phải ” cắt chữ “nguyên…” với những cán bộ bị kỷ luật.
Tôi thấy hình như những người nêu ra ý kiến này, hoặc là dốt nát về luật pháp, hoặc là cay cú, hằn học với những người bị kỷ luật, hoặc bị xử lý hình sự…
Còn thưa các vị, khi các vị đang ngồi ghế “nghị sĩ”, các vị nói như Thánh, giọng điệu cao đạo, dạy dỗ… Nhưng ai dám đảm bảo rằng, ngày mai, ngày kia, không có vị lại phải đến cơ quan điều tra, khai “Tên tôi là…”
Cho nên, “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ! Các đồng chí nên bớt mồm đi… Hãy tự đốt đuốc mà soi chân mình trước đã“.
Theo Nguyễn Như Phong