Lào đã trở thành nạn nhân của bẫy nợ Trung Quốc, chết vì “Vành đai Con đường”

Mặc dù Trung Quốc luôn lên tiếng bác bỏ các thông tin và quan điểm cho rằng, thông qua dự án Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng và khiến nhiều nước nghèo rơi vào bẫy nợ. Tuy nhiên, mới đây, truyền thông Nhật Bản đăng bài cho rằng Lào cũng đã trở thành một trong những quốc gia rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc ngày càng sâu hơn và nợ tích lũy đã vượt quá 60% nền kinh tế của đất nước.

Theo bài viết của Nikkei Asian Review, Lào, với dân số chỉ 7 triệu người, hy vọng các công ty Trung Quốc có thể đầu tư các đặc khu kinh tế và mở cửa các cơ sở hạ tầng như đập thủy điện và đường sắt cho các công ty Trung Quốc nhận xây dựng. Tuy nhiên, các nhà quan sát đã đặt câu hỏi về các dự án này, thậm chí lo ngại rằng nợ của Lào đã chồng chất như núi.

Nikkei Asian Review nêu ví dụ: Đặc khu kinh tế Boten ở phía bắc Lào, liền kề với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đầu tháng 12/2019, các quan chức nước Lào đã ký một thỏa thuận phát triển với các quan chức Trung Quốc cho Trung Quốc thuê đặc khu này trong 90 năm. Các công ty Trung Quốc vào đầu tư xây dựng các cơ sở như khách sạn, trung tâm giải trí, nhà hàng và trung tâm mua sắm để thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Để thành lập thêm các đặc khu kinh tế như Boten, Lào hiện đã phê duyệt 14 trong số 40 đặc khu kinh tế đã quy hoạch với hy vọng chấn hưng nền kinh tế của đất nước. Trong mấy năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào là 6%.

Trong số các đặc khu kinh tế này, đặc khu kinh tế ở Champasak, phía nam của Lào, được cho là lớn nhất. Nó chiếm diện tích 10.000 ha và được đầu tư 10 tỷ USD, bao gồm hơn 30 khách sạn 5 sao và các cơ sở giải trí. Mục đích chủ yếu của nó là thu hút khách du lịch Trung Quốc đến khu vực có nhiều danh lam thắng cảnh này.

“Land Watch Thai”, một tổ chức phi chính phủ Thái Lan chuyên giám sát các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á, cho biết: cho đến nay, đã có 160 công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Lào. Tổng diện tích của 14 đặc khu kinh tế này là 29.238 ha, cũng là nhiều nhất trong số tất cả các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phát triển hoài nghi về mô hình phát triển này ở Lào.

Ông Shalmali Guttal, giám đốc điều hành của Focus on the Global South, một nhóm chuyên gia tư vấn của Thái Lan, nói với Nikkei Asian Review rằng trên thực tế, Lào vẫn là một nền kinh tế nông thôn và không có sự đầu tư phát triển công nghệ và nguồn nhân lực để dân chúng có cơ hội việc làm tốt trong các đặc khu kinh tế này.

Shalmali Guttal cho rằng, các đặc khu kinh tế có thể là một phần của kế hoạch công nghiệp hóa, nhưng các đặc khu kinh tế của Lào đã không thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất. Thay vào đó, đất đai đang được sử dụng để phát triển khai thác các bất động sản, như khách sạn và sòng bạc.

Tuy nhiên, những dự án đầu tư này chắc chắn không tránh khỏi khiến Lào, một quốc gia phát triển thấp, phải gánh một khoản nợ lớn như vậy. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 8 đã cảnh báo rủi ro nợ của Lào đang tiếp tục gia tăng.

Theo Nikkei Asian Review, trước khi kết thúc năm 2017, Lào có khoản nợ nước ngoài là 13,6 tỷ USD, trong khi GDP của nước này chưa tới 20 tỷ USD.

Về lĩnh vực nợ công của Lào, theo Ifeng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy hồi đầu năm nay nói, chính phủ Lào sẽ giảm hoặc loại bỏ thâm hụt ngân sách trên quy mô lớn vào năm 2020. Trong những năm gần đây, Lào đã trải qua thâm hụt ngân sách trong thời gian dài, dẫn đến việc tích lũy nợ công khá lớn và ngân sách căng thẳng.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào cho biết nợ công đã tăng lên hơn 60% GDP – các nhà kinh tế cho rằng mức này là quá cao và nhiều rủi ro.

Ông Somdy Douangdy cho biết các tổ chức tài chính quốc tế đã cảnh báo Lào phải giảm thiểu thâm hụt ngân sách, nếu không, họ có thể cắt giảm hỗ trợ tài chính. “Ngân hàng Thế giới và các nhà cung cấp quỹ quốc tế đã tỏ ý, nếu chúng tôi không giảm thâm hụt, họ sẽ không hỗ trợ tài chính cho các dự án được đề xuất (kế hoạch phát triển kinh tế xã hội)”.

Trong những năm gần đây, những nỗ lực của chính phủ Lào nhằm giảm thâm hụt đã phần nào hiệu quả. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 5,3% trong năm 2017 xuống 4,72% vào năm 2018 và tiếp tục giảm xuống còn 4,28% vào năm 2019. Mức thâm hụt dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 7.196 tỷ kip trong năm 2018 xuống còn 7.088 tỷ kip trong năm 2019, nhưng số tiền này vẫn còn cao.

Theo Viettimes