NÓNG: Đề nghị tiếp tục cách ly xã hội đến hết tháng 4/2020

Cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào sáng 6/4 cho biết các địa phương cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết những người đến từ vùng dịch và có yếu tố dịch tễ. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm ngặt cách ly xã hội đến hết ngày 15/4 là vô cùng cần thiết.

Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nêu lên kiến nghị sẽ tiếp tục cách ly xã hội (giãn cách xã hội) đến hết tháng 4/2020 để đảm bảo khống chế dịch bệnh ở mức tốt nhất nếu cần thiết.

Chiều 6-4, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID – 19 trong bối cảnh liên tiếp 2 ngày Bộ Y tế công bố cả nước không ghi nhận ca bệnh sau 1 tháng liên tiếp ghi nhận trên 200 bệnh nhân mắc COVID-19.

Mở đầu buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Cả nước phấn khởi khi số ca nhiễm ít, người dân chắc háo hức lắm…”.

Nhiều thông tin lạc quan về số ca nhiễm ít, số người ra viện, việc sớm được nhận thêm máy thở để phòng chống dịch bệnh, các tấm gương tương thân tương ái… Mặc dù chỉ thị 15 và 16 tạo ra những khó khăn cho cuộc sống người dân nhưng có thể thấy người dân tuân thủ rất tốt. Nhờ vậy chúng ta đạt kết quả tốt trong giai đoạn cao điểm chống dịch.

“Giãn cách xã hội là biện pháp rất cần thiết. Hiện nay chúng ta cần thiết để tiếp tục hay không? Theo tôi vẫn cần tiếp tục thực hiện chỉ thị trong giai đoạn kế tiếp…” – Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cũng khẳng định vai trò của ngành y tế trong việc đưa ra những biện pháp khoa học trong điều trị và đưa ra một số phác đồ tốt.

“Những kinh nghiệm tốt về lâm sàng, điều trị, cách ly trong thời gian qua có thể phát huy trong thời gian tới hay không? Cần tiếp tục nghiên cứu thêm phương pháp điều trị mới, hiệu quả…” – Thủ tướng đặt ra yêu cầu với lãnh đạo ngành y tế.

Về vấn đề tiếp nhận Việt kiều quay về nước, Thủ tướng thông tin gần đây một số nước giới nghiêm, hạn chế đi lại như Singapore, Lào, Campuchia, Thái Lan nên Việt kiều muốn trở về nước thì chúng ta vẫn còn cơ số cần thiết nhưng cũng phải xem xét đến khả năng quá tải.

“Liệu có cần những giải pháp cứng rắn hơn không?” – ông Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.

Thủ tướng cũng cho hay, mới đây Tổng bí thư đã nhất trí các gói hỗ trợ dân sinh với nhiều thành phần yếm thế khó khăn với nhiều mức hỗ trợ khác nhau. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì đợi Quốc hội quyết. Thứ Sáu tới, Chính phủ sẽ họp với các địa phương để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nghe phương án của Bộ Công an…

Cần phải chống dịch quyết liệt hơn nữa đồng thời chuẩn bị phương án chủ động toàn diện hơn để khi hết dịch thì phục hồi sản xuất kinh doanh được tốt hơn.

Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý trong thời điểm này phải hết sức tập trung, không được chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm. Điển hình như Trung Quốc công bố hết dịch sau đó thì rất nhiều trường hợp dương tính xuất hiện ở nhiều nơi.

Cho nên Trung Quốc đưa ra chủ trương “chủ quan là chết, chủ quan là tai hại”.

“Nếu chủ quan thì sẽ gay go. Cần phải tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch, việc tái nhiễm cũng phải rất quan tâm, không thể chủ quan…” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đánh giá kết quả khả quan bước đầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh là nhờ vào vai trò rất quan trọng của hai giải pháp: cách ly toàn xã hội và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào.

Ông Long cho rằng đây là hai chính sách có ý nghĩa quyết định và xin phép Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian áp dụng các chính sách này nếu thấy cần thiết. Ông Long cũng đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh thành cần tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ; ngoài ra đẩy mạnh, mở rộng xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn, nhất là với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi trên ôtô từ Đồng Nai vào TP.HCM chiều 5-4
Theo ông Long, cần có chính sách huy động tư nhân tham gia vào khâu xét nghiệm để mở rộng, gia tăng năng lực xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, khoanh vùng, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Sáng nay 6-4, Bộ Y tế cho biết tính đến 6h sáng, cả nước không ghi nhận ca bệnh mới, là sáng thứ 2 liên tiếp không ghi nhận ca bệnh sau 1 tháng liên tiếp ghi nhận trên 200 bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong số 241 bệnh nhân COVID-19 cho đến nay, có 150 người từ nước ngoài về (trên 62%), việc Việt Nam đã dừng gần như toàn bộ các chuyến bay quốc tế đến trong những ngày qua, nếu có chuyến bay nào đến thì cách ly toàn bộ người nhập cảnh trong 14 ngày nên đã “khóa” được số mắc từ nước ngoài và không làm lây lan thêm.

VTC