Ông Nhưỡng nói thẳng “ba nhiều” về Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

“Bộ trưởng nắm vấn đề chắc và tâm huyết, trả lời thật thà. Nghĩa là ông biết nhiều, đi nhiều, tham gia nhiều việc”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 6/11 một cách chân thành.

Là người đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và cũng là lần thứ hai đăng đàn trong nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường được đánh giá là trả lời khá hấp dẫn, đáng nghe khi cho thấy sự sâu sát trong lĩnh vực của mình cùng cách trả lời thẳng thắn, rành mạch và “đúng chất nông dân”.

Trong hơn nửa ngày 6/11, đã có 64 đại biểu đăng kí chất vấn vị tư lệnh ngành nông nghiệp, xoay quanh hàng loạt vấn đề nóng của ngành, như tình trạng được mùa mất giá – được giá mất mùa, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tình hình khắc phục thẻ vàng IUU, bất cập trong thực hiện Nghị định 67, xây dựng nông thôn mới…

Hầu hết các câu hỏi đều được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đối đáp trôi chảy, đi thẳng vào vấn đề. Rất nhiều số liệu được ông nêu chính xác mà không cần tài liệu, thậm chí không “vấp”!

Ngay cả khi có tới 14 đại biểu giơ biển tranh luận, nếu không nắm chắc vấn đề, hiểu rõ về những tồn tại, hạn chế của ngành, e rằng Bộ trưởng khó mà “chống” nổi.

Khi đại biểu Phan Thanh Bình chất vấn về tình trạng tàu cá 67 phải nằm bờ vì nợ nần, khai thác không hiệu quả, Bộ trưởng đã thẳng thắn bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu, đồng thời chia sẻ mối quan ngại với nguy cơ trục lợi chính sách.

“Với chính sách 67, chúng ta khuyến khích, hỗ trợ ngư dân, nhất là hậu cần để tham gia bám biển, vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền. Rất cảm ơn đại biểu đã đề cập vấn đề này để chúng tôi yêu cầu, chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại”, ông Cường khẳng định.

Cũng với phong cách trả lời thật thà, chất phác, ít nhất 2 lần câu trả lời của Bộ trưởng Cường khiến cả nghị trường rộn tiếng cười. Khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn làm thế nào để bà con ngư dân không bị các khu du lịch, khách sạn bịt kín lối sinh kế ra biển, giải pháp của Bộ trưởng ra sao, Bộ trưởng Cường liền hỏi ngược lại: Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp?

Nghe Bộ trưởng nói vậy cả hội trường Quốc hội cười rộn lên!

Rồi Bộ trưởng Cường nói tiếp luôn: Sợ điều này không đúng địa chỉ lắm. Tất nhiên với người có trách nhiệm sẽ phối hợp cùng các địa phương và các cơ quan quản lý…

Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc: Nhưng Bộ phải có tiếng nói giúp cho ngư dân. Bởi vì ngư dân đánh bắt trên biển là đối tượng mà Bộ Nông nghiệp phải lo. Bộ Nông nghiệp phải có tiếng nói với cán bộ ngành nào, địa phương nào đang bịt kín lối ra biển của ngư dân.

“Nhìn theo khía cạnh đó, Bộ ủng hộ quyết liệt và sẽ cùng với bà con ngư dân, cùng với các thành phần để chúng ta cũng có trách nhiệm nêu vấn đề đấy lên để đề xuất tháo gỡ. Rất cảm ơn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có câu hỏi để chúng tôi đồng hành cùng bà con nông dân”, người đứng đầu ngành nông nghiệp tiếp lời Chủ tịch Quốc hội.

Khi trả lời đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về sản phẩm mới của nghề dệt là tơ sen, Bộ trưởng Cường phấn khởi trước sự sáng tạo của các chị em khi làm ra sản phẩm tơ lụa từ cây sen. Ông cũng tranh thủ khoe: “Tôi cũng được tặng một chiếc khăn, đến hôm nay vẫn còn thơm”. Câu nói lại khiến các đại biểu cười thích thú.

Tuy nhiên sau đó ông cũng không quên cảnh báo: “Khắp nước ta chỗ nào cũng có vùng trũng, cả Đồng Tháp Mười và các vùng khác. Nhưng trồng sen thì phải tính mức độ nhất định, chỗ nào cũng trồng sen rồi sau này lại phải giải cứu cũng căng”.

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Cường, nhiều người đánh giá phiên chất vấn thú vị, nhiều thông tin được làm rõ, đã bớt đi những câu trả lời chung chung, vòng vo, né trách nhiệm hay khất lần giải pháp.

Tại hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Tôi tương đối hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Cường. Ông nắm bắt vấn đề rất chắc và tâm huyết, trả lời thật thà, không né tránh hay nói cho qua chuyện. Nghĩa là ông biết nhiều, đi nhiều, tham gia nhiều việc”.

Cùng đồng tình, TS Đặng Kim Sơn đánh giá, có được điều này là do Bộ trưởng nắm rõ vấn đề, phát biểu rành mạch, trả lời thẳng câu hỏi.

“Đây là một vị Bộ trưởng thuộc và hiểu bài. Ông đi cơ sở nhiều nên nắm rõ tình hình các địa phương, doanh nghiệp và biết cách trả lời, thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu ngành”, TS Kim Sơn đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ghi nhận: “Dù mới là lần thứ hai trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Cường đã nắm chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu chứng minh rất cụ thể, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, và có những lí giải, đưa ra các giải pháp của ngành”.

Qua 2 lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, với cách trả lời dân dã, chất phác mang đậm chất nông dân, đặc biệt luôn thể hiện những trăn trở cũng như tâm huyết của mình với những khó khăn của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Bộ trưởng Cường nhìn chung đã “được lòng” các đại biểu và cử tri.

Nhiều vấn đề Bộ trưởng đối đáp trôi chảy và tâm huyết, khiến đại biểu hài lòng, nhưng vẫn còn đó những “căn bệnh nan y” mà ngành nông nghiệp chưa có “thuốc giải” hữu hiệu: Đó là nỗi lo giải cứu nông sản, dịch bệnh phức tạp, nông dân trồng lúa ngày càng nghèo đi, tình trạng bỏ ruộng ngày càng nhiều…

Có người băn khoăn khi đặt câu hỏi, vì sao trong quá trình thực hiện một số chương trình, khi thấy có bất cập Bộ trưởng không có ý kiến ngay? Đơn cử như Nghị định 67 đã có những vi phạm, trục lợi trong quá trình đóng tàu vỏ thép, còn ngư dân nợ nần chồng chất, tàu tiền tỷ của ngư dân phải nằm bờ, không thể vươn khơi…

Điều mọi người mong muốn nhất là câu chuyện hậu chất vấn sẽ được giải quyết như thế nào? Các giải pháp Bộ trưởng nêu ra liệu có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân, có thực sự là liều thuốc hữu hiệu để ngành nông nghiệp cất cánh, người nông dân cất nỗi lo, hay lại để cho… nhiệm kì sau giải quyết tiếp?

Nguồn: Dân Việt