Nói cho vuông: “Lem lẻm và đây đẩy” như ông Triệu Tài Vinh
Nói cho vuông: Trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, một số người chê các vị lãnh đạo chủ trì ở đó là không có kĩ năng xử lý khủng hoảng, thậm chí còn “lấy giấy gói lửa”, hoặc “chữa cháy bằng xăng”. Thực ra, nói cho vuông: Vấn đề ở đây không phải là kỹ năng, mà chính là nhân cách!
Ở Hà Giang, trong số 114 thí sinh được sửa điểm có rất nhiều em là con cháu lãnh đạo tỉnh và các ngành và các huyện. Riêng ông Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh có ba “suất” được sửa điểm: Con gái và hai cháu ruột!
Rõ ràng, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh phải chịu trách nhiệm chính trị cao nhất khi để xảy ra vụ gian lận thi cử có “quy mô công nghiệp” này. Ông cũng phải chịu trách nhiệm, với vai trò là người đứng đầu khi để hàng loạt cán bộ dưới quyền vướng vào các hành vi phạm tội và sai trái. Đặc biệt, với tư cách cá nhân, là người làm cha, làm bác, ông phải chịu trách nhiệm về việc con và cháu ruột mình cũng được can thiệp nâng điểm. Cứ cho là ông không biết, không xin, không can thiệp, như ông nói, thì chí ít ông cũng đã “buông lỏng quản lý” với ngay chính gia đình mình. “Tề gia” không xong, thì cũng khó nói đến chuyện “trị quốc”.
Như vậy, theo logic thông thường để xử lý khủng hoảng, điều chí ít, là ông phải biết xin lỗi. Trước hết là xin lỗi con cháu ông, gia đình ông, vì ông mà con và cháu dính vào một vụ ô uế, có khả năng ám ảnh thanh danh chúng suốt đời. Sau đó, là ông phải xin lỗi Đảng bộ và nhân dân Hà Giang, nhất là các cháu học sinh của tỉnh nhà về sự yếu kém trong xây dựng đội ngũ cán bộ, buông lỏng về lãnh đạo và quản lý mà để xảy ra vụ gian lận động trời, ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của quê hương. Ông phải xin lỗi Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ GD&ĐT vì đã lãnh đạo và quản lý kém trong kì thi vừa qua. Cuối cùng, ông cũng phải xin lỗi nhân dân cả nước vì đã làm phiền lòng họ, vì đã phụ lòng quan tâm và tình cảm của nhân dân cả nước lâu nay đối với mảnh đất “Hà Giang mến yêu”, như lời một bài hát rất thân quen.
Thế nhưng, ngược lại, ông đã làm gì? Ông chỉ đạo UBND tỉnh ra văn bản yêu cầu cán bộ và nhân dân toàn tỉnh phải “tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND”. Chưa đủ, ông đích danh kí văn bản yêu cầu cán bộ và nhân dân phải cảnh giác với “bọn xấu và thế lực thù địch” lợi dụng, xuyên tạc…Điều kì lạ hơn là trả lời phỏng vấn, ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm! Đặc biệt, với việc con gái và hai đứa cháu ruột được nâng điểm, ông một mực chối đây đẩy: Không biết, không chỉ đạo, không xin. Thậm chí ông còn lớn tiếng ca ngợi con gái ông học giỏi và yêu cầu báo chí tìm hiểu kĩ hơn để “minh oan cho cháu”. Ông còn mập mờ nói đến một “âm mưu”, là có kẻ lợi dụng “gắp điểm bỏ tay người” như mạng xã hội mai mỉa. Cách trả lời này không lạ, vì mới năm ngoái đây thôi, trả lời báo chí về việc gia đình ông có tới tám người thân là quan chức ở tỉnh, ông cũng lem lẻm và đây đẩy, rằng tất cả đúng quy trình, rằng ông không can thiệp…
Tất nhiên, ngay cả những người ngây thơ nhất cũng không thể tin ông nói. Bởi vậy ông càng nói dư luận càng bất bình và phản đối.
Làm lãnh đạo cốt ở uy tín. Trong đó, tín là gốc của uy. Cứ lem lẻm và đây đẩy như thế, liệu ông có còn tín, còn uy? Rất tiếc, ở nước ta, cỡ cán bộ có hàm cấp tương đương và cũng “lem lẻm và đây đẩy” như ông Vinh, chỉ tính riêng số đã lộ sáng trên truyền thông cũng không phải là ít.
Trong lý thuyết truyền thông để xử lý khủng hoảng có khi người ta phải cho “nổ cầu chì”. Để xem trong vụ gian lận thi cử động trời này những chiếc “cầu chì” nào sẽ nổ?
Phạm Xuân Cần