Lò cháy tới Kiên Giang, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị bị “điểm mặt chỉ tên”
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 15/5, UBND tỉnh Kiên Giang đã phát công văn hỏa tốc gửi đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh yêu cầu thực hiện kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở tỉnh.
Ngoài các nội dung chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, xử lý về kinh tế, việc kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân đang thu hút sự quan tâm. Vậy những cán bộ chủ chốt nào của tỉnh sẽ phải kiểm điểm?
Một cán bộ lão thành tỉnh cho biết, chiểu theo yêu cầu của Tổng Thanh tra Chính phủ thì phải kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh thời kỳ 2011 – 2017. Thời kỳ này có các vị chủ tịch: Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang từ ngày 10/12/2010 đến 21/6/2011.
Trước đó ông Sơn làm chủ tịch rồi bí thư Huyện ủy Phú Quốc. Nay ông là phó chủ nhiệm UBKT T.Ư. Tiếp đến là ông Lê Văn Thi, thiếu tướng công an, kế vị ông Sơn từ ngày 21/6/2011 đến 28/10/2015. Sau khi ông Thi nghỉ hưu, ông Phạm Vũ Hồng làm chủ tịch tỉnh từ ngày 28/10/2015 cho đến nay. Ông Hồng từng làm giám đốc sở Xây dựng Kiên Giang, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, bí thư Thành ủy Rạch Giá, rồi quay lại làm phó chủ tịch tỉnh trước khi lên chủ tịch.
Phó chủ tịch thời kỳ nói trên có các ông, bà: Nguyễn Thanh Nghị (giai đoạn 3/2014 – 10/2015, nay là bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang), Mai Anh Nhịn, Lê Khắc Ghi, bà Lê Thị Minh Phụng…
Tinh thần kiểm điểm là làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm đã nêu ở phần kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Do người dân tự ý lấn chiếm xây dựng nhà ở khiến rạch Ông Trì ô nhiễm và thường xuyên ngập lụt Ảnh: Nhật Huy
Liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai, có các vị: Nguyễn Xuân Lộc – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở NN&PTNT; Nguyễn Thống Nhất, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (nay là giám đốc Sở KH&ĐT); Nguyễn Quốc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh (vừa chuyển công tác làm chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng), Đinh Khoa Toàn, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (nay là phó bí thư Huyện ủy Phú Quốc); giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc, giám đốc BQL rừng phòng hộ…
Sai phạm theo kết luận thanh tra là rất nghiêm trọng, thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu cố ý làm trái.
Đất đai bị băm nát, xây dựng trái phép tràn lan, núi rừng, sông biển bị lấn chiếm, san lấp. Có những công trình cả trăm tỷ xây dựng không giấy phép nhưng vẫn hoạt động như khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Phú Quốc, khách sạn 5 sao Seashell xây dựng khi giấy phép đã hết hạn. Hàng trăm công trình xây dựng lớn nhỏ khác vi phạm nhưng không bị xử lý.
Trong những sai phạm liên quan trách nhiệm của ông Đinh Khoa Toàn, có thể kể đến là khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Phú Quốc, khách sạn 5 sao Seashell… Toàn đảo có 577 khu đất đang sử dụng là đất nông nghiệp đã san lấp, phân lô với tổng diện tích hơn 496ha. Trong đó có 727 căn nhà xây trên đất quy hoạch cho nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và công cộng.
Theo kết luận thanh tra, tổng số tiền sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường của tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 – 2017 lên tới 2.300 tỷ đồng, trong đó trách nhiệm của cục thuế tỉnh chiếm cả ngàn tỷ đồng.
Cũng có người đặt vấn đề, đối với các quan chức đã về hưu, hay những trường hợp chuyển công tác thì kiểm điểm như thế nào.
Ông Lê Khác Ghi – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói: “Tôi chưa nhận được giấy yêu cầu kiểm điểm. Tôi luôn sẵn sàng, nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Quy định bây giờ thì trốn đâu thoát, về hưu rồi nếu có sai phạm thì cũng phải “lôi” ra kiểm điểm, xử lý chứ đừng nói chơi”.
Tiền Phong