Lãnh đạo Đồng Nai ngang nhiên bán đứt hàng trăm ha rừng với giá rẻ mạt

Việc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) bán hàng trăm ha rừng trồng với giá thấp hơn thị trường, không qua đấu thầu và một số diện tích đã chuyển qua trồng điều không rõ chủ, đang khiến dư luận địa phương thắc mắc và bức xúc.

Sự việc này không chỉ gây bức xúc ở dư luận địa phương mà còn đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái bản địa, khi hàng trăm hecta rừng trồng có nguy cơ bị xóa trắng.

Gỗ cây giá tỵ khai thác chất đống, trải dài dọc đường ĐT 761 đang chờ chuyển đi.

Những dấu hiệu bất thường

Định Quán là huyện miền núi Đồng Nai, có địa hình chủ yếu là gò đồi, nên diện tích rừng trồng ở đây tương đối phát triển. Riêng tại xã Thanh Sơn, những khoảnh rừng tràm và cây giá tỵ tuổi đời từ 10 năm đến hàng chục năm đã đến hàng trăm hecta. Người dân cho biết số diện tích này từ lâu được chính quyền và các cấp quản lý giao cho công ty Lâm nghiệp La Ngà trồng và phát triển, đến nay đã đến thời hạn khai thác.

Điều đáng nói là quy trình khai thác này đang bộc lộ những dấu hiệu bất thường, khi đích thân các lãnh đạo doanh nghiệp ký giao, bán rừng trực tiếp cho những đối tượng nhận nhượng mua, mà không qua tổ chức đấu thầu hay đàm phán công khai nào. Không hề có quy trình quản lý việc sang bán rừng đã đành, mà giá rừng được lãnh đạo công ty La Ngà đưa ra còn thấp hơn giá thị trường tự do rất nhiều.

Hai lãnh đạo công ty La Ngà được dư luận đề cập, chính là ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc công ty, và ông Cường, Phó giám đốc. Theo thông tin có được, hai lãnh đạo này đã tiến hành bán chỉ định luôn cho những người có quen biết, để họ “chia lại” cho các đối tượng khác tiến hành khai thác.

Rừng tràm chưa đủ tuổi bị khai thác trắng, bán non với giá rẻ.

Được biết, hiện tại một hecta rừng tràm sẽ có giá thị trường khoảng 120 triệu đồng. Nhưng đơn giá công ty Lâm nghiệp La Ngà bán cho các đối tượng khai thác, chỉ có 60 triệu đồng/hecta. Tương tự, với rừng cây giá tỵ, giá thị trường sẽ khoảng 15 triệu đồng/m3. Nhưng công ty La Ngà bán ra với giá 8 triệu đồng.

Vườn điều mới xuất hiện là của ai ?

Nhờ sự hướng dẫn của người dân, phóng viên Làng Mới đã xâm nhập được vào khu vực rừng trồng tại xã Thanh Sơn, do công ty Lâm nghiệp La Ngà quản lý. Tại đây, từ địa bàn ấp 5 đến ven tỉnh lộ ĐT 761 qua xã, những cánh rừng tràm và rừng cây giá tỵ đang bị khai thác trắng. Gỗ giá tỵ chất đống, trải dài trên đoạn đường từ chốt dân phòng ấp 5 đi vào rừng, và giữa tỉnh lộ ĐT 761, là địa bàn do Đội 1 công ty Lâm Nghiệp La Ngà quản lý.

Những người dân cho biết, chỉ cần nhìn vào các thân gỗ, đã có thể biết được rừng giá tỵ tự nhiên ở đây có tuổi đời mấy chục năm.

Dù chỉ là cành cây, nhưng thân gỗ giá tỵ này vẫn có bán kính khá lớn.

Với lượng gỗ chất đống la liệt còn lại, còn số lớn đã chuyển đi, rõ ràng mức độ khai thác rừng ở đây quy mô thế nào. Thậm chí khi đi vào sâu dọc trục đường ĐT 761, phóng viên còn gặp các xe cuốc đang khai thác cây. Người dân còn chỉ cho phóng viên thấy một số khu vực rừng đã và đang được khai phá để trồng điều với diện tích lớn. “Đa phần các vườn điều đều không phải của cư dân địa phương” – Ông Trần Q, một người dân địa phương cho chúng tôi biết. Ông Q nói thêm “khi thấy điều được trồng ở đây chúng tôi có hỏi mấy người tham gia trồng thì họ cho hay, họ chỉ tham gia trồng thuê thôi cho “lãnh đạo”nào đó thôi”

Thiết nghĩ, với hàng trăm hecta rừng giá tỵ tự nhiên và rừng tràm đang bị khai thác nhưng với giá cả thấp hơn thị trường nhiều như thế, liệu có gây thất thoát cho tài sản Nhà nước ? Phía Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam có biết đến điều này ? Công ty Lâm Nghiệp La Ngà dựa vào cơ sở, chủ trương nào để bán hàng trăm hecta rừng tự nhiên và rừng trồng chưa đủ tuổi mà không hề qua đấu thầu?

(Theo Làng Mới)