Khi Công bộc “ă n b ẩn” khắp nơi…

Những tổ mối nhỏ có thể làm vỡ cả một con đê lớn, tham nhũng vặt nhưng hậu quả ‘không vặt chút nào’ bởi nó đang làm băng hoại đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, xói mòn lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Tuần trước, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nạn tham nhũng vặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rằng “hậu quả của nó thì không vặt chút nào” bởi làm băng hoại đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, xói mòn lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Ông ví tham nhũng vặt như những tổ mối nhỏ có thể làm vỡ cả một con đê lớn.

Chỉ mấy ngày sau khi Phó thủ tướng trả lời chất vấn về nội dung trên, dư luận đã có ngay ví dụ điển hình với vụ án mà cả cựu chủ tịch và phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh đều bị bắt cùng với 9 đồng bọn.

Bị can từng giữ chức vụ cao nhất trong số này là Diệp Văn Thạnh (51 tuổi, cựu chủ tịch UBND TP Trà Vinh).

Diệp Văn Thạnh bị khởi tố, bắt tạm giam vào sáng 21/8. Ảnh: Công an Trà Vinh.

Lẽ ra với vị trí đứng đầu chính quyền sở tại, ông Thạnh phải thực hiện thật tốt chính sách xã hội, chăm lo cho cuộc sống của các gia đình chính sách, người có công, giúp đỡ người nghèo. Đằng này ông lại cùng thuộc cấp câu kết với “cò” bên ngoài, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi và gây thất thoát ngân sách.

Trong số hàng trăm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình, các cán bộ, công chức nêu trên đã “đi tìm” các mẹ liệt sĩ, các gia đình chính sách để “đứng tên” nhằm “hưởng” chính sách miễn tiền thuế đất.

Đây chính là một kiểu “ăn bẩn” bằng cách lợi dụng chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước dành cho những người có công, những gia đình đã đóng góp máu xương cho Tổ quốc.

Nói như Phó thủ tướng, sự “băng hoại đạo đức”, “xói mòn niềm tin” trong những trường hợp như thế này là hết sức nguy hiểm. Những công bộc biến chất còn “ăn bẩn” được ở chỗ này, việc này thì hẳn là họ sẽ không từ việc “đánh chén” ở những nơi khác, việc khác.

Khi đạo đức công vụ băng hoại thì không những lòng tin của người dân và doanh nghiệp bị xói mòn ngay ở vụ việc ấy, con người ấy, mà hậu quả còn lớn hơn ở chỗ các chính sách, pháp luật đúng đắn, tốt đẹp bị làm cho méo mó, sai lệch.

Từ đó, tình trạng “xói mòn” có thể bị lan rộng, từ chuyện mất lòng tin với cái sai, người dân có thể nảy sinh tâm lý hoài nghi cả cái đúng và đặc biệt là chấp nhận làm theo cái sai như một “thủ tục”.

Cũng tại phiên trả lời chất vấn nêu trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong chống tham nhũng nói chung và chống tham nhũng vặt nói riêng.

Trong số các giải pháp được đề cập, Phó thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính, thực sự công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu đến cấp độ 4, tức là có thể trả tiền thông qua kết nối mạng thì mới ngăn được sự “móc nối” giữa người thực thi và người được cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời với các giải pháp kiểm soát hành vi công vụ của cán bộ, công chức, việc tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không “tiếp tay” cho cái sai cũng hết sức quan trọng.

(Nguồn: Tuổi trẻ)