Forbes: Các khoản đầu tư của Trung Quốc ‘gieo rắc’ nỗi sợ hãi khắp thế giới

Chuyên gia khuyến cáo các nước nên thận trọng đánh giá các khoản đầu tư của Trung Quốc nếu không chết chìm trong bẫy nợ và trả nợ bằng lợi ích quốc gia.

Trung Quốc trong vài năm trở lại đây thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước. Ở quê nhà, các khoản đầu tư là một trong những động cơ, cùng với xuất khẩu thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ở nước ngoài, những lần vung tiền của Trung Quốc phục vụ tham vọng kiểm soát các vùng biển tranh chấp và đảm bảo tuyến đường biển tới tận khu vực Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, nhiều dự án trong số này được cho là bị đội giá quá cao, tạo ra các khoản nợ với các nước sở tại, buộc họ phải đánh đổi các lợi ích quốc gia.

Theo chuyên gia Xiaomeng Lu tới từ công ty tư vấn chính sách Access Partnership, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách phóng chiếu sức mạnh của Bắc Kinh ra nước ngoài thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” bao trùm cả Đông Nam Á và châu Phi.

Forbes: Cac khoan dau tu cua Trung Quoc 'gieo rac' noi so hai khap the gioi hinh anh 1
 Một công trường xây dựng của nhà thầu Trung Quốc tại châu Phi. (Ảnh: Siphiwe Sibeko/Reuters)

Nỗ lực kinh tế chính trị này kết hợp với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và châu Phi đặt ra thách thức ngày càng lớn với chiếc ô an ninh của Mỹ trên toàn thế giới.

“Các dự án bị thổi phồng giá vì hầu hết được xây dựng bởi các công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc hợp tác với các nhà thầu địa phương thay vì các nhà thầu tư nhân thông qua đấu thầu minh bạch. Khi họ, vốn được các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc tài trợ, rời đi, các nước sở tại sẽ phải đau đầu với các khoản nợ”, cây viết Panos Mourdoukoutas của Forbes bình luận.

Đầu tư của Trung Quốc ở Sri Lanka là một trường hợp điển hình. Năm 2015, Sri Lanka lún sâu vào nợ nần do không thể trả được hơn 8 tỷ USD tiền vay từ Trung Quốc để thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng ở nước này. Tháng 12/2017, sau 2 năm đàm phán, Colombo buộc phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota trong 99 năm để được xóa nợ.

Cách Trung Quốc có được hợp đồng thuê đất 99 năm ở Hambantota gán nợ làm dấy lên cáo buộc Bắc Kinh đưa các quốc gia có vị trí chiến lược (bao gồm cả Djibouti và Maldives) vào “bẫy nợ”, sau đó lợi dụng các khoản nợ để giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ở Pakistan, Trung Quốc đầu tư xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), trải dài từ Tây Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Mặc dù CPEC giúp Pakistan thúc đẩy các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý, nó làm phức tạp thêm nạn tham nhũng ở Pakistan và đẩy giá các dự án lên cao so với thực tế.

Tính đến năm 2019, chi phí cho các dự án CPEC lên tới 62 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD so với 46 tỷ USD vào năm 2014.

Điều đó khiến Pakistan mắc nợ Trung Quốc nhiều hơn do Bắc Kinh là nguồn tài trợ chính cho các dự án. Trên thực tế, nợ nước ngoài của Pakistan bắt đầu xuất hiện ngay sau khi CPEC được triển khai buộc quốc gia Nam Á phải hỏi vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đối phó với tình hình.

Ở Nam Phi, Trung Quốc cũng áp dụng chiêu bài tương tự. Theo ông Ted Bauman, nhà nghiên cứu cao cấp tại Banyan Hill Publishing, mục tiêu của Trung Quốc tại đây là địa chính trị chứ không phải kinh tế. Các công ty Trung Quốc tập trung vào các cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng, đập và các hệ thống mạng công cộng như lưới điện.

“Các khoản đầu tư này gắn kết các quốc gia với Trung Quốc về mặt chính trị thông qua nghĩa vụ phải trả nợ. Đây là một dạng đòn bẩy mà Trung Quốc sử dụng để buộc các nước này hỗ trợ tham vọng của Bắc Kinh trên toàn cầu”, ông Bauman cho hay.

Trong một số trường hợp như dầu mỏ ở Angola hoặc khai thác đất hiếm ở Congo, các khoản đầu tư của Trung Quốc giúp khóa chặt các mối quan hệ cung ứng với các mặt hàng thiết yếu.

Trong các trường hợp khác, các khoản đầu tư của Bắc Kinh làm giàu cho các nhà thầu Trung Quốc. Như ở Uganda, mỗi km đường cao tốc 4 làn có giá lên tới 9,3 triệu USD.

Ông Mourdoukoutas khẳng định rằng bất chấp mức độ hào phóng, các dự án đầu tư của Trung Quốc gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho các nền kinh tế các nước khác.

“Đó là lý do tại sao họ nên thận trọng đánh giá các dự án, như cách Malaysia đã làm gần đây”, ông Mourdoukoutas khuyến cáo.

Tháng 7/2018, Malaysia đình chỉ hàng loạt dự án trị giá hàng tỷ USD với Trung Quốc. Lý do mà Kuala Lumpur đưa ra là chi phí cho các dự án quá cao, vượt khả năng tài chính của đất nước, trong khi một số dự án bị tố là thổi phồng chi phí và có tham nhũng.

 (Nguồn: Forbes)