Đèn bật sáng nhưng không ai làm việc: Trung Quốc đang tự lừa dối mình và thế giới
Tờ Caixin mới đây tiết lộ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc đang bật máy móc và để đèn sáng để giả mạo đã “phục hồi” việc sản xuất khi các quan chức đặt ra ‘chỉ tiêu’ tiêu thụ điện năng. Họ thà chịu mất chút tiền điện còn hơn là làm mếch lòng các quan chức địa phương. Tỉnh Chiết Giang gần đây tuyên bố đã “khôi phục 98,6% công suất làm việc.”
Điều tra của tờ Caixin (Tài Tân) mới đây cho hay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang ngụy tạo mức tiêu thụ điện và các số liệu khác, vờ như công ty đã trở lại hoạt động bình thường để đáp ứng các ‘chỉ tiêu’ do chính quyền đặt ra.
Khi số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (WHO gọi là COVID-19) giảm, chính quyền địa phương tại các khu vực ít bị ảnh hưởng đã kêu gọi các công ty và nhà máy trở lại làm việc. Họ thường giao mục tiêu cụ thể cho quan chức cấp quận huyện để làm cơ sở đánh giá việc “phục hồi”, trong đó chủ yếu nhất là mức điện năng tiêu thụ.
Dữ liệu về mức tiêu thụ điện thường được xem là thước đo cho tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động. Chịu áp lực khi phải hoàn thành các chỉ tiêu bất khả thi, nhiều nơi đã tìm cách gian lận để có được bản thống kê đẹp cho chính quyền địa phương báo cáo lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc đã được ca ngợi là “tấm gương điển hình” cho sự ‘hồi phục’ của ngành công nghiệp cả nước. Cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc hôm 24/2 báo cáo tỷ lệ trở lại làm việc ở tỉnh này là hơn 98,6%.
Tuy nhiên, một cán bộ cấp quận (giấu tên) tại Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, đã nói với tờ Caixin rằng từ ngày 29/2, nhiều nhà máy nhận được chỉ thị để thiết bị hoạt động cả ngày, trong khi các văn phòng được yêu cầu bật máy tính và điều hòa không khí.
Các nhà máy và nơi làm việc đã bật đèn, mở điều hoà không khí cả ngày trong các văn phòng không người. Các thiết bị cũng được bật, bảng chấm công được làm giả, thậm chí nhiều công nhân được hướng dẫn cách nói dối thanh tra.
Tờ Caixin đã xác nhận lại với 1 công ty tại Hàng Châu về thông tin nêu trên và công ty đó đã thừa nhận điều này.
> TQ: Cuộc khủng hoảng dịch bệnh chỉ vừa mới bắt đầu?
Mục tiêu của Hàng Châu là mức tiêu thụ điện của doanh nghiệp ngày 29/2 phải bằng 75% mức ngày 8/1 và đạt ít nhất 90% vào ngày 10/3. Chính quyền Trung Quốc cũng nói sẽ hỗ trợ một phần chi phí điện để khuyến khích các doanh nghiệp trở lại làm việc.
Tuy nhiên, theo ước tính của cán bộ cấp quận nói trên, thì tỷ lệ trở lại làm việc thực tế tại một khu công nghiệp ở Hàng Châu chỉ ở mức 40% vào cuối tuần trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 75%.
Vị cán bộ này cũng cho biết nhiều công ty thà chịu tốn khoản tiền nhỏ cho điện hơn là làm mếch lòng các quan chức địa phương.
Một công ty khác ở Ôn Châu, trung tâm thương mại lớn tại Chiết Giang, xác nhận được giao chỉ tiêu tiêu thụ điện và công ty này đã chạy máy điều hòa cả ngày để đáp ứng chỉ tiêu.
Ông Trần Quảng Thắng, Phó tổng thư ký chính quyền tỉnh Chiết Giang, cho biết hôm 24/2 rằng một số nhà máy ở Chiết Giang đã báo cáo tỷ lệ trở lại làm việc là 98,6%, các doanh nghiệp dịch vụ là 95,6%. > Quan chức Vũ Hán giáo dục người dân biết ơn Đảng, biết ơn ông Tập
Caixin cũng nói rằng Chiết Giang không phải là tỉnh duy nhất làm đẹp số liệu để trình lên trên. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại thành phố Bạc Đầu, cách Bắc Kinh 230km về phía nam.
Tại đây, lãnh đạo một nhà máy đã tiết lộ rằng do lo ngại về dịch bệnh nên doanh nghiệp vẫn chưa thực sự trở lại làm việc, nhưng chính quyền Bạc Đầu yêu cầu ông báo cáo sai số lượng nhân viên trở lại làm việc và thậm chí hướng dẫn công nhân cách nói dối nếu họ nhận được cuộc gọi từ thanh tra.
Tại Vũ Hán, các quan chức đã cố gắng chứng tỏ việc phục hồi đang diễn ra suôn sẻ trong chuyến viếng thăm của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan ngày 5/3. Bà Tôn được cho là đi kiểm tra việc khử trùng và cung cấp thực phẩm cho người dân bị cách ly.
Tuy vậy, nhiều video trên mạng đã cho thấy cư dân các tòa chung cư liên tục hét lớn “giả”, “tất cả đều là giả”, “mọi người đang phải mua thực phẩm với giá quá đắt” khi bà Tôn đi thị sát phía dưới.> Video: Người Vũ Hán la hét “đồ giả” khi Phó thủ tướng tới thăm
Bà Tôn sau đó đã yêu cầu điều tra để giải quyết các vấn đề mà người Vũ Hán đang bất mãn.
Một điều đáng ngạc nhiên là những video tương tự thường bị kiểm duyệt rất chặt và sẽ bị xóa bỏ khi có nội dung thể hiện một xã hội bất ổn định. Tuy vậy lần này, đoạn clip vẫn xuất hiện dày đặc trên Weibo mà không bị gỡ, thậm chí còn xuất hiện cả trên trang web của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của TQ.
Động thái này được một số nhà phân tích cho rằng chính quyền trung ương đang muốn chứng minh Bắc Kinh lắng nghe yêu cầu của người dân, còn chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm cho các sai lầm.
Theo Tri thức VN