ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: ‘Vụ Hồ Duy Hải không đủ chứng cứ thì phải thả, không thể xử ép’

“Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói và cho rằng đã sai thì phải sửa nếu không sẽ làm méo mó của nền tư pháp.

Vào chiều 7/5, tại buổi tọa đàm ‘tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm’, vụ án Hồ Duy Hải đã được các đại biểu Quốc hội, luật sư đề cập đến.

‘Không đủ chứng cứ thì phải thả, không thể xử ép’

Tại buổi tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng mấu chốt nhất trong vụ án Hồ Duy Hải là vấn đề chứng cứ.

“Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép.

Một nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật hình sự của mọi quốc gia văn minh là phải đủ chứng cứ mới buộc tội. Có thể anh nghi ngờ người ghê lắm, nhưng muốn buộc tội người ta thì phải có đủ chứng cứ.

Một khi không đủ chứng cứ thì không được buộc tội người ta”, ông Nghĩa nói và cho rằng “đã sai phải sửa, vì nếu sai mà không sửa thì đó là sự méo mó của nền tư pháp”.

‘Chứng cứ có rất nhiều vấn đề’

Theo luật sư Phạm Công Hùng – nguyên Thẩm phán TAND Tối cao thì có rất nhiều vụ án gần đây gây “bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng. Trong đó có vụ Hồ Duy Hải khi các chứng cứ chứng minh có rất nhiều vấn đề.

Cũng nhận xét về vụ án Hồ Duy Hải, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện cho rằng rất may trong vụ này còn bộc lộ một số “lỗ hổng, sơ xuất” mà Ủy ban Tư pháp, dư luận đã phát hiện ra, vì có những trường hợp bị “bịt”, thậm chí “sử dụng dấu của cơ quan điều tra, kiểm sát đóng vào đấy rồi”.

“Chất lượng xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào công tác cán bộ. Dùng quyền lực là chính chứ không dùng kiến thức. Người ta vừa nói, anh đã đập bàn, bắt im thì người ta nói làm sao? Mà không có thông tin thì làm sao quyết? Như vậy thì đúng là án bỏ túi rồi…”, ông Nhưỡng cho hay.

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, sau khi nhận được kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc yêu cầu được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của luật sư Trần Hồng Phong, TAND Tối cao đã chấp thuận cho luật sư này tiếp tục tham gia phiên tòa từ sáng ngày 8/5.

Luật sư Trần Hồng Phong (phải) và gia đình Hồ Duy Hải. (Ảnh qua 24h)
Trước đó, liên quan đến phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, TAND Tối cao có mời luật sư Trần Hồng Phong tham gia trong thời gian từ ngày 6-8/5.

Tuy nhiên, sáng ngày 6/5, luật sư Phong chỉ trình bày được khoảng 30 phút thì đã bị chủ tọa phiên tòa mời ra ngoài vì cho rằng phần sau là phần xét xử mang tính nội bộ, không cần có luật sư tham gia.

Sau đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản số 127 kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét yêu cầu của LS Trần Hồng Phong đề nghị được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Hiện lãnh đạo TAND Tối cao đã chấp thuận đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục mời luật sư Phong tham gia phiên toà vào lúc 8h sáng 8/5.

Liên quan đến các chứng cứ của vụ án, tại phiên xử buổi chiều (6/5), đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đặt vấn đề: Căn cứ vào đâu mà kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân chứ không phải đập đầu vào lavabo, và tại sao khám nghiệm hiện trường không thu được hung khí là thớt?

Theo đó, lời khai trước của bị can là sau khi gây án đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, dao cho sạch máu; đập đầu nạn nhân Hồng vào bồn rửa mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường không có dấu vết này. Trong lời khai ngày 7/7/2008, Hải lại khẳng định không đập đầu nạn nhân vào lavabo mà dùng thớt đập đầu ở cầu thang.

Kiến nghị ngày 7/5 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. (Ảnh qua vtc)

Kiến nghị ngày 7/5 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. (Ảnh qua vtc)
Hồ sơ vụ án kết luận, Hồ Duy Hải giết 2 nạn nhân bằng ghế, dao và thớt. Tuy nhiên, vật chứng dao đã bị những người dọn dẹp hiện trường đem đốt, còn vật chứng thớt lại không được cơ quan điều tra thu giữ. Sau đó, tấm thớt và dao đã được mua ngoài chợ bổ sung vào hồ sơ vụ án. Còn chiếc ghế cơ quan điều tra thu giữ lại khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác với biên bản khám nghiệm hiện trường.

Điều tra viên giải thích: “Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này”.

Nhưng điều tra viên vẫn khẳng định căn cứ để kết luận điều tra dựa vào biên bản khám nghiệm hiện trường phản ánh có thớt ở vị trí vết máu, phù hợp với lời khai của bị can, phù hợp kết quả giải phẫu tử thi.