Dân nghèo ở túp lều tranh, cán bộ mà nghèo thì “giành” đất thôi!
Câu chuyện xảy ra tại phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Từ năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã giao 533 lô đất tại phường Thắng Lợi cho cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp để xây dựng nhà ở (còn gọi là “khu thu nhập thấp”). Một chính sách được cho là “cấp thiết” nhưng đã bị người ta lợi dụng để trục lợi.
Ở đây, đối tượng được cấp đất phải là cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở, thu nhập bình quân người tương đương hệ số 3.0 trở xuống; hộ nghèo, cận nghèo khu vực thành thị. Những người nhận đất phải xây dựng nhà ở trong vòng 18 tháng, sử dụng đủ 10 năm mới được sang nhượng đất, chưa đủ 10 năm thì phải trình Uỷ ban nhân dân huyện báo cáo tỉnh xử lý từng trường hợp.
Thế nhưng, đến ngày hôm nay, kết quả thực tế xảy ra là 70% số người trong 533 trường hợp được cấp đất lại là những người không có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Nhiều trường hợp đã có nhà, có đất nhưng vẫn lách luật để “tranh phần”.
Tranh giành đất để làm giàu?
Qua xác minh, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định nhiều trường hợp là cán bộ của các sở, ngành của tỉnh đã có nhà ở vẫn làm đơn xin cấp đất và thực tế là họ đã nhận được đất. Những trường hợp tương tự như trên sau khi giành được đất thì sang nhượng trái phép với người khác dưới dạng “ủy quyền sử dụng” cùng mức giá bán rẻ hơn thị trường dăm ba phần. Nhiều trường hợp chây ỳ không chịu xây nhà theo như yêu cầu đặt ra ban đầu của chính sách, đến khi có yêu cầu thì làm theo kiểu “chống đối”…
Tất cả những hành động tương tự như trên đã phản ánh tình trạng lấy “của để dành”. Một số ông cán bộ nào đó muốn lấy thêm tài sản, muốn mình giàu hơn mà nghiễm nhiên sử dụng một chính sách đúng để làm những việc sai. Câu chuyện có vẻ đã quá “cũ” và xảy ra nhiều lần rồi. Tuy nhiên, nó vẫn lạ ở chỗ là quyền lực của họ đến đâu mà vượt qua tầng tầng, lớp lớp những quy định pháp luật, những yêu cầu chính sách rất chi tiết và cụ thể.
Đặt ra hàng loạt các tiêu chí để cấp đất, yêu cầu hàng loạt những tiến trình sau khi được cấp đất để hạn chế tình trạng xin đất mà không có nhu cầu. Nhưng, người không có nhu cầu về đất cuối cùng vẫn chiếm đến 70% số người được hưởng chính sách.
Câu trả lời có thể xin được nói luôn: Chúng ta đã làm sai rồi. Đất đai từ xưa đến nay luôn là tài sản quý giá quá. Mà càng quý thì người ta lại càng muốn có được. Người chưa có thì muốn có một, người đã có một thì muốn có hai, người có hai thì muốn có nhiều hơn nữa,… Cứ giành được đất đai thì như giành được vàng bạc, của cải lớn, tội gì người ta không giành giật. Với cái lý lẽ, tôi lương thấp, tôi “nghèo”,… mà chính sách tại tác động đúng vào đối tượng là công chức, cán bộ nữa thì người ta lại càng như “bắt được vàng”.
Nói thực, Gia Lai chẳng phải là một tỉnh giàu, đời sống nhân dân cũng chỉ ở cảnh chẳng phải đói, nhưng chưa chắc đã đủ no. Một bộ phận không nhỏ người dân có cuộc sống “tạm bợ”, với những mảnh đất và những “căn nhà” không đúng nghĩa. Có ai cấp đất cho họ xây nhà, có ai cấp đất cho họ ổn định cuộc sống hay không? Người ta bảo “an cư, lạc nghiệp” nhưng xem ra còn lâu nữa người dân mới có thể “an cư”.
Chính sách có hơn 500 chỉ tiêu hỗ trợ mà mấy ông cán bộ đã kịp giành lấy 70% suất hưởng “khống” thì thử hỏi những chính sách khác họ đã lấy đi mất bao nhiêu phần. Thử nghĩ xem, khi một chính sách nào đó từ Trung ương về đến địa phương cán bộ hưởng bao nhiêu còn người dân thì hưởng bao nhiêu? Có lẽ sẽ còn lâu nữa, người dân nghèo vẫn cứ nghèo, ai ở túp lều tranh thì cứ vẫn sẽ ở lều tranh.
Thủ thuật của mấy người giành đất đi bán ở Gia Lai là khi bán đất chính sách được cấp họ chỉ viết “giấy ủy quyền” rồi hứa hẹn đến mốc thời gian nào đó sẽ chính thức làm thủ tục sang tên đổi chủ. Rõ ràng, hành vi giao dịch như trên dù qua mặt được cơ quan chức năng nhưng hoàn toàn có thể kiểm tra phát hiện một cách dễ dàng.
Nhiều người có nhà, có đất rồi muốn xin thêm đất để bán. Rõ ràng, tại khu vực “nhà ở thu nhập thấp”, họ xây nhà nhưng đâu có sinh sống? Đơn giản là chỉ cần mất vài ba buổi, chỉ cần vài ba cán bộ thanh tra đi kiểm tra là sẽ “lòi” ra hết những trường hợp như thế này mà thôi.
Chỉ tiếc là từ năm 2013 đến nay là đã 5 năm, tỉnh Gia Lai vẫn chưa đi kiểm tra toàn diện mà họ mới chỉ dừng lại ở việc “hứa sẽ đi kiểm tra”. Thời gian thực hiện lời hứa chẳng biết đến bao giờ đây?
Không chỉ là thực hiện lời hứa!
Đương nhiên tới đây, tỉnh Gia Lai sẽ lại một lần nữa phải xử lý, giải quyết những trường hợp gian dối, chiếm đất trục lợi. Nhưng, sau hành động này có lẽ cũng cần tính toán lại một số chính sách của địa phương.
Trong khi số lượng cán bộ cần nhà rất ít thì một chính sách hơn 500 chỉ tiêu được đưa ra. Thế còn số đông người dân lại không có những chính sách hỗ trợ tốt như thế.
Ngay cái thực tế này nó cũng đã cho thấy việc hoạch định chính sách của chính quyền địa phương tại đây là khập khiễng, thiếu sự tính toán, thiếu sự công bằng. Thử nghĩ xem, nguồn lực của địa phương chỉ có một phần nào đó, nếu sử dụng không đúng, lãng phí lúc này thì lúc sau sẽ không còn gì mà dùng cho được nữa.
Cần phải xem lại việc tính toán, sử dụng, phân bổ các chính sách để có được những kết quả thực tế hơn. Hãy bảo đảm quyền lợi của người dân, lo cho người dân giàu thì may chăng cán bộ mới tự giàu nhờ đóng góp của người dân cho tỉnh. Chứ cứ chăm chăm vào đời sống cán bộ trước, người dân ta bỏ mặc thì nghèo vẫn mãi cứ hoàn nghèo mà thôi.
(Theo Butdanh.net)