Vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền, “giảm giá sếp la anh chết”: “Sếp” ấy là ai?

Vụ việc CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền của người vi phạm đang có khá nhiều ẩn khuất cần phải làm rõ. Anh Thái Đăng Phú (người tố cáo) đã có đơn kiến nghị làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Liên quan đến vụ việc CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền của người vi phạm, Công an TP.HCM thông tin, khi làm việc với bộ phận xác minh, anh Thái Đăng Phú đã cung cấp 2 băng ghi âm cuộc gọi.

Giảm giá, “sếp” biết, “sếp” la?

Nội dung của cả 2 cuộc gọi trong các băng ghi âm đều liên quan đến vấn đề anh Phú sẽ mang 3 triệu đồng lên nộp cho cán bộ CSGT tên Minh để lấy lại giấy phép lái xe (GPLX). Ở cả 2 đoạn ghi âm, cán bộ CSGT kia đều đề cập đến “sếp”.

Ở đoạn ghi âm cuộc gọi thứ nhất, anh Phú thông báo đã mượn được tiền. Anh Phú nói: “Anh ơi, em lúc sáng bị lỗi không bảng số xe. Anh kêu em đưa anh 5 triệu. Mà lúc sáng, em mới đưa anh được 2 triệu. Anh giữ bằng lái xe của em. Giờ em vay được tiền rồi, anh ở đâu, để em chuộc lại bằng lái xe”.

Sau khi hai bên trao đổi qua lại, đầu dây bên kia nói: “À, vậy em ghé ngay chỗ… Sáng, anh bắt em ở đâu vậy?”. Khi anh Phú đáp: “Anh bắt em chỗ Hoàng Văn Thụ”, người kia đáp: “Vậy em ghé ngay chỗ Hoàng Văn Thụ với Phạm Văn Hai đi”. Rồi sau đó, người này chuyển địa điểm: “Ngay cái chỗ… Không. Giờ em ghé ngay chỗ vòng xoay Cộng Hòa đi”. Sau đó, khi anh Phú nài nỉ người này giảm bớt tiền vì đi làm công nhân khó khăn về tài chính, người kia đáp: “Không được em ơi. “Sếp” la anh chết”.

Vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền: Những ẩn khuất cần làm rõ - Ảnh 1.

Đơn kiến nghị làm rõ của anh Thái Đăng Phú gửi báo Dân Việt. Ảnh: Quang Phương

Sau đó, anh Phú điện thoại cho CSGT tên Minh (đoạn ghi âm cuộc gọi thứ hai) thông báo có bạn cho mượn tiền, nhưng do bạn đó tăng ca nên không đưa tiền cho anh Phú được, mong CSGT Minh thông cảm, rồi hẹn chiều hôm sau sẽ lên đóng tiền.

Khi nghe anh Phú nói vậy, người phía đầu bên kia nói: “Sáng mai đi, sáng mai được không?”. Anh Phú trả lời: “Tầm chiều anh ơi, sớm mai em đi làm mà. Chiều em về, em ghé qua. Thôi có gì anh giúp em”. Đầu dây bên kia đáp lại: “Thôi có gì để anh nói “sếp””.

Trong cả 2 đoạn ghi âm cuộc gọi, người CSGT kia đều đề cập đến “sếp”. Dư luận đang tò mò không biết “sếp” của CSGT kia là ai và có chỉ đạo gì không, hay CSGT kia tự bịa ra “sếp” hòng chiếm đoạt tiền của người vi phạm?

Cần làm rõ nhiều vấn đề

Trong đơn gửi báo Dân Việt, anh Thái Đăng Phú đã trình bày nhiều vấn đề bức xúc xoay quanh vụ việc. Anh Phú cũng đề xuất làm rõ nhiều vấn đề như khi anh tố giác vụ việc lên Thanh tra Công an TP.HCM, Thanh tra Công an TP.HCM không hỗ trợ bắt quả tang mà chuyển cho Phòng CSGT, đánh động xuống đội CSGT Tân Sơn Nhất, sau đó, số điện thoại của người bị tố giác tắt máy, không liên lạc được.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Phú nói: “Công an đã tiết lộ thông tin người tố giác là tôi cho hệ thống công an liên tỉnh truy tìm tới phòng trọ và nhà bố mẹ tôi ở quê để o ép, tác động, yêu cầu rút đơn. Từ khi công an tìm đến nhà bố mẹ, tìm đến phòng trọ, cuộc sống của tôi và gia đình tôi bị đảo lộn. Ngoài quê, bố mẹ tôi lo lắng, gọi điện liên tục. Họ nghĩ tôi làm gì phạm pháp khiến công an tới tận nhà. Tôi đã phải giải thích hết lời với bố mẹ và những người quanh khu trọ”, anh Phú nói.

Anh Phú cũng băn khoăn khi ban đầu, anh lên Thanh tra Công an TP.HCM tố giác nhưng lại chuyển sang Phòng CSGT. Mới đây nhất, ngày 8/6, anh Phú lại tiếp tục làm việc với Thanh tra Công an TP.HCM. “Vụ việc chuyển qua, chuyển lại như vậy liệu có khách quan?”, anh Phú viết trong đơn.

Vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi tiền: Những ẩn khuất cần làm rõ - Ảnh 2.

Tin nhắn của một “sếp” gửi cho Phú.

Theo dõi các tình tiết của vụ việc, luật sư Lê Bá Thường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng vụ việc với những thông tin trên báo chí thể hiện trái chiều về hành vi “che giấu” cho CSGT. Nếu người phạm tội thể hiện các hành vi như: Che giấu dấu vết của phạm tội, tạo điều kiện để người phạm tội lẩn trốn; xóa, tiêu hủy các dấu vết; hoặc cất giấu, tiêu thụ, tiêu hủy những vật chứng liên quan đến tội phạm… sẽ bị cấu thành tội Che giấu tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm, hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm.

Riêng về vấn đề anh Phú tố cáo CSGT đã chiếm đoạt 2 triệu đồng, luật sư Lê Bá Thường phân tích, với những hành vi của CSGT như nội dung tố cáo đã cấu thành tội phạm sử dụng chức vụ quyền hạn như một phương tiện để làm những việc vượt ngoài trách nhiệm, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, hoặc có hành vi uy hiếp, lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản. Số tiền CSGT này đã chiếm đoạt là 2.000.000 đồng đủ điều kiện để khởi tố hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015.

Dân Việt