Đâu chỉ ‘Hà Nội không vội không xong’

Trong Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Hà Nội, không vội không xong”. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn cảnh nền kinh tế của nước ta hiện nay, có thể thấy không chỉ riêng gì Hà Nội mà nền kinh tế cả nước cũng đang trong tình trạng “không vội không xong”.

Thời gian qua, cũng chỉ vì một chủ trương phát triển kinh tế (thành lập đặc khu) mà tình hình chính trị của nước ta đã có những biến rộng không hề nhỏ. Và như một dây chuyền, khi tình hình chính trị có những chuyển biến không tích cực thì ngay lập tức nền kinh tế chịu tác động. Biểu hiện của nó là việc sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong khi vực có bất ổn bị đình trệ, nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đến “làm tổ” tại địa phương. Qua đây, chúng ta có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa kinh tế với chính trị. Nếu kinh tế không phát triển thì chính trị không vững mạnh. Ngược lại, nếu chính trị không ổn định thì rất khó để có thể thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Tuy nhiên, dù kinh tế nước ta năm qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng không khó để nhận thấy những sự lề mề vẫn còn tồn tại khá nhiều. Thậm chí, nhiều khi chúng ta có cảm giác như các cơ quan chuyên môn quá thong thả, quá hững hờ đối với việc phát triển kinh tế. Chính vì vậy nên những tiềm năng của đất nước chưa được khai thác một cách triệt để, kinh tế chưa phát triển hết khả năng, nội lực đất nước chưa được nâng cao.

Nhiều dự án, chính sách trì trệ, chậm triển khai cho thấy nền kinh tế nước ta “không vội không xong”

Không vội không xong

Hiện nay, nước ta đang tồn tại một nghịch lý rất khó chấp nhận là trong khi nhiều quan chức được “bổ nhiệm thần tốc” thì không ít dự án kinh tế, công trình phụ trợ cấp quốc gia lại được thực hiện một cách chậm chạp đến khó hiểu. Chính sự khập khiễng này đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong xã hội, làm cho người dân mất dần niềm tin vào cơ quan nhà nước nói chung và đội ngũ lãnh đạo nói riêng.

Sự chậm chạp, hững hờ trong phát triển kinh tế tồn tại từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, hình thành dự án; triển khai các chính sách, dự án trên thực tiễn cho đến tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm các vấn đề xảy ra trên thực tiễn và đưa ra biện pháp khắc phục.

Để đưa ra một chính sách, chúng ta có khi vội vàng quá mức nhưng nhiều lúc lại lề mề đến khó chịu. Thậm chí, khi chính sách được đưa ra thì việc triển khai trên thực tế cũng chậm rãi đến lạ kì. Khi đó, thời cơ bị vuột mất, chúng ta trở thành “trâu chậm uống nước đục”. Ngồi một lúc, chúng ta có thể rút ra hàng tá các dự án, chính sách chậm triển khai. Đó là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra mãi không xong, đó là những dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư hàng chục năm vẫn chưa hoàn thiện hay như vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, dù tiến hành từ lâu nhưng những đổi thay thì vẫn chưa rõ rệt.

Về việc tổng kết, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp trên thực tế, có thể thấy sự chậm chạp hiện diện một cách vô cùng rõ ràng trong khâu này. Đơn cử như vấn đề “giải cứu nông sản”, như một quy luật, năm nào nông sản cũng bị “khủng hoảng” và phải cầu cứu thị trường. Đáng buồn hơn, các loại mặt hàng nông sản cần phải giải cứu ngày càng mở rộng. Vậy nhưng hết năm này qua năm khác, tình trạng này vẫn xảy ra, khiến cho nền sản xuất nông nghiệp chịu không ít thiệt hại. Trong khi đó, các giải pháp khắc phục thì hầu như vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, chưa hề đi vào đời sống sản xuất kinh doanh.

Vội nhưng vẫn phải chuẩn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình. Ngoài ra, việc một số chỉ số kinh tế của chúng ta còn thua cả Lào, Campuchia cũng cho thấy những “khiếm khuyết” trong nền kinh tế của nước ta. Để giải quyết những vấn đề này, không còn cách nào khác là chúng ta phải “vội” trong việc phát triển nền kinh tế, tạo ra sức bật cho nền kinh tế của Việt Nam.

“Vội” trong phát triển kinh tế thể hiện ở việc Cơ quan chức năng nhanh chóng nắm tình hình của nền kinh tế thế giới, xây dựng các chính sách phù hợp và triển khai một cách có hiệu quả các chính sách đó đối với Việt Nam, dẫn dắt kinh tế Việt Nam đi lên. Về phía người dân, chúng ta cũng phải tự tạo động lực thúc đẩy bản thân hoàn thiện hơn, nâng cao tay nghề, trình độ và khả năng tạo ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, “vội” nhưng chúng ta phải chuẩn, nếu không chuẩn thì xã hội sẽ thực sự hỗn loạn, những vấn đề liên quan đến đặc khu là ví dụ kinh điển cho vấn đề này.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, đưa đất nước thực sự hóa rồng hóa hổ, từ lãnh đạo cho đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải tích cực hơn rất nhiều, “không vội không xong”.

(Theo Butdanh)