Chúng ta phải “nuôi báo cô” đến bao giờ?
“Đi công tác cùng lãnh đạo TP, lãnh đạo đài Hà Nội không dám cử 40% cán bộ yếu kém này. 40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố”.
Đó là lời chia sẻ của ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội trong Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội hôm 03/07. Thế mới thấy, tỉ lệ “báo cô” mà chúng ta phải nuôi nấng, chăm sóc kinh khủng đến nhường nào.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống công quyền đang mạnh mẽ tiến hành tinh giản biên chế nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp bộ máy hành chính công, nâng cao hiệu quả hoạt động, loại trừ những kẻ “ăn bám” ra khỏi bộ máy. Chúng ta có thể thấy điều này rõ nhất qua việc Bộ Công an tiến hành thu hẹp hàng loạt đầu mối cơ quan cấp Cục và Tổng cục, sát nhập không ít đơn vị cấp dưới đồng thời cũng siết chặt số lượng tuyển dụng mới. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, số cơ quan, đơn vị vào cuộc mạnh mẽ như Bộ Công an không nhiều. Đó là chưa kể, ở không ít đơn vị, việc tinh giảm, loại bỏ lại diễn ra theo một hướng hoàn toàn “ngược” so với mục tiêu đặt ra. Họ có giảm về số lượng, thu hẹp phạm vi những người nhận lương nhưng những người bị cắt giảm lại không phải là những kẻ yếu kém nhất, đáng loại bỏ nhất. Nhiều khi, mọi người cũng cảm thấy không khỏi oan uổng cho những người bị tổ chức “bỏ rơi”. Họ có năng lực, họ làm được việc nhưng vẫn bị “hắt hủi” vì cha mẹ họ chẳng là ai, vì họ chẳng có “cây cao bóng cả” che chắn ở phía sau. Điều này chúng ta có thể thấy rõ qua chia sẻ của ông Tô Quang Phán. Chỉ riêng trong cơ quan của ông đã có 40% trong số hơn 700 người lao động làm việc yếu kém. Vậy nhưng dù biết số lao động này làm việc yếu kém nhưng tổ chức vẫn chẳng thể loại bỏ vì họ là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố. Để rồi sau đó, 40% lượng lao động này cứ làng nhàng làm việc và rút tiền từ ngân sách. Như vậy thử hỏi làm sao ngân sách không bi bộ chi?
Nói thẳng, đâu chỉ riêng đài Phát thanh-Truyền hình của Hà Nội là nơi các “con ông cháu cha” trú ngụ. Tôi có thể khẳng định chắc chắn một điều, ở tất cả các cơ quan, ở tất cả đơn vị trong bộ máy công quyền đều có những đối tượng này ẩn cư. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, không phải người nào thuộc nhóm “con ông, cháu cha” cũng làm việc yếu kém. Chúng ta phải có cái nhìn công tâm và ghi nhận năng lực cũng như sự cố gắng của tất cả mọi người, bất kể họ là ai, cha mẹ họ làm gì. Điều đáng bàn luận và lên án ở đây là đội quân những kẻ “ăn bám” núp dưới bóng cha ông mình để “bòn rút” tiền từ ngân sách nhà nước. Với cái bóng của gia đình, họ chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng” theo đúng nghĩa đen. Họ đến cơ quan, họ làm việc nhưng mọi thứ chẳng hề mang lại hiệu quả. Bản thân họ đi làm cũng được mà nghỉ việc cũng chẳng sao. Suy cho cùng, chỉ có ngân sách, chỉ có nhân dân là bị thiệt thòi.
Dẫu biết ở tất cả các cơ quan, đơn vị đều có “con ông cháu cha” ẩn nấp nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ trước con số 40% người lao động tại đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội làm việc yếu kém và lại nằm trong nhóm “con ông nọ, cháu bà kia”. Có lẽ, tỉ lệ này ở các cơ quan, đơn vị khác trong bộ máy công quyền cũng ở mức tương đương. Đúng là quá đáng sợ.
Việc nhân dân phải “nuôi báo cô” khoảng 40% cán bộ, công chức, người lao động là điều không thể chấp nhận được. Người ta cứ mải mê đi tìm nguyên nhân kinh tế Việt Nam chưa thể hóa rồng, hóa hổ ở những nơi xa xôi. Vậy nhưng nói thẳng, nguyên nhân ở chính việc chúng ta phải kéo theo một nhóm “báo cô” như này thì không kém phát triển mới là lạ.
Nhóm “con ông nọ, cháu bà kia” làm việc làng nhàng, hời hợt trong bộ máy nhà nước đang từng ngày, từng giờ hút cạn ngân sách quốc gia. Vậy nhưng đó chỉ là một trong những thiệt hại mà chúng ta phải gánh chịu.
Qua ý kiến của ông Tô Quang Phán (được trích dẫn ở trên), có thể thấy cán bộ lãnh đạo (nhưng người có tâm với nghề) đã nhìn thấu những góc khuất phía sau công tác cán bộ. Vậy nhưng họ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vẫn phải chấp nhận sự hiện diện của những người bất tài trong đơn vị mình chỉ vì “gốc rễ” phía sau của những người này quá sâu. Chính cán bộ quản lý còn không hài lòng với “lính” của mình, còn không tin tưởng những người làm việc dưới quyền của mình thì hỏi sao nhân dân có thể đặt niềm tin vào họ? Việc “con ông cháu cha” bất tài tồn tại trong cơ quan cũng là nguyên nhân khiến cho nội bộ đơn vị mất đoàn kết, nảy sinh lục đục. Đó là chưa kể, không ít kẻ “con ông nọ, cháu bà kia” đi làm lại nảy sinh tính cách “thái tử” gây bức xúc cho đồng nghiệp và những người cộng sự. Suy cho cùng, những kẻ “báo cô” này là nguồn gốc của vô vàn rắc rối.
Chỉ vì là “con ông nọ, cháu bà kia” từ cấp Trung ương đến địa phương mà chúng ta chẳng thể loại bỏ những kẻ bất tài, kém năng lực ra khỏi bộ máy nhà nước là một điều không thể chấp nhận. Để loại bỏ tận gốc tình hình này không phải ngày một, ngày hai là có thể hoàn thành. Thôi thì chúng ta cũng chỉ có thể đặt hi vọng (dù là nhỏ nhoi) vào sự quyết liệt của các lãnh đạo trong việc thanh lọc bộ máy.
(Theo Bút Danh)