Trưởng Ban Tổ chức TƯ: “Giảm 1% chi thường xuyên là có hơn 10.000 tỷ đầu tư”
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, với bộ máy cồng kềnh như hiện tại, năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách (hơn 1 triệu tỷ đồng). “Chỉ cần giảm 1% thôi là có hơn 10.000 tỷ rồi” – ông Chính nói.
Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10, nhiều đại biểu nhắc tới vấn đề thay đổi về con người và bộ máy. Chia sẻ với nhóm ý kiến này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho rằng bàn đến tổ chức bộ máy luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn, bàn đi bàn lại rất nhiều lần.
Tuy nhiên, ông này nhận định không có gì phải sốt ruột, vì “qua quá trình thực hiện cho thấy quy luật: Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, rồi cơ cấu, cán bộ, năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình”.
“Vì vậy không có gì phải sốt ruột. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ông Chính nói.
Mặc dù vậy, ông Chính thừa nhận không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách (hơn 1 triệu tỷ đồng), năm 2018 giảm một chút. “Nếu năm nay giảm xuống còn trên 60% một chút thì giảm được chi tiêu thường xuyên, qua đó sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển. Chỉ cần giảm 1% thôi chúng ta có hơn 10.000 tỷ rồi”, ông Chính nói.
Tuy nhiên, khoản chi nào nên giảm không được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhắc tới.Xét theo lĩnh vực chi, chi thường xuyên bao gồm:
Về việc tinh giản bộ máy hiện nay, ông Chính cho rằng tinh giản “là để tiết kiệm chi tiêu hành chính”, “là rất cần thiết”, song lưu ý tinh gọn phải đi kém với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, gắn với việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, việc chức cho phù hợp; đi kèm với đó là hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm và miêu tả khung năng lực…
Giải pháp được đưa ra là phải rà soát kỹ lại thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị công tác, mỗi địa phương với tinh thần “một việc chỉ giao một cơ quan, một người đảm nhận và một người, một cơ quan có thể đảm nhận nhiều việc”.
Đồng thời, theo ông Chính, cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được và làm tốt hơn thì nên giao cho doanh nghiệp, xã hội làm; tuy nhiên, Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối khi cần thiết nếu có liên quan an ninh quốc phòng.
Góp ý cụ thể ở góc độ Quốc hội, ông Chính nhất trí quan điểm cần tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, ít nhất đảm bảo tỷ lệ 35%. Ông Chính đề xuất nên nghiên cứu tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hướng các đại biểu sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở Quốc hội mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để họ có thể ứng cử làm đại biểu chuyên trách.
Ngoài ra, cần thống nhất việc quy định cơ quan giúp việc cho đại biểu Quốc hội. Đối với cơ quan giúp việc là 3 văn phòng hay 1 văn phòng, theo ông Chính, đang có mô hình thí điểm như TP. HCM có 2 văn phòng, các tỉnh khác có 3 văn phòng, “như vậy là phù hợp”.
Nói về kinh phí duy trì, ông Chính cho rằng Bộ Tài chính sẽ phân bổ, “quan trọng nhất là có cơ chế phù hợp”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2019, chi ngân sách ở mức 63,1% dự toán; trong đó chi thường xuyên ở mức 73,4% dự toán.
Về dự toán ngân sách năm 2020, Chính phủ lập dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước.
Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên (không bao gồm chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương) năm 2016 là 63,3%, năm 2017 là 64,9%, dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%. Trung bình cả giai đoạn tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách ở mức dưới 64%.
Tại thời điểm trước năm 2016, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách ở mức cao, 67,7% (năm 2015).
Trí Thức VN