“Về với dân, đừng mang súng”
Vụ Thủ Thiêm, vì lợi ích nhóm, Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải đã dùng “bàn tay sắt” để quản lý. Mất gần 2 thập kỷ người dân bị điêu đứng vì “bàn tay sắt”, vi phạm tày trời của nhóm lợi ích mới lòi ra là những tấm bản đồ bị tráo đổi.
Cách đây 4 hôm, tức là sau gần 20 năm, ông Lê Thanh Hải đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật về mặt đảng vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và có thể bị xử lý hình sự khi “Làm biến mất 160 hecta, ông Hải lấy 160 hecta này chia cho 57 doanh nghiệp sân sau của ổng”.
Nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Hậu quả của việc đó đến giờ người dân vẫn phải gánh chịu vì giải quyết chưa xong. Biết bao số phận long đong. Có những người chết trong hành trình đòi lại nhà đất, không đợi được đến ngày vụ việc sáng tỏ và kẻ gây ra đau thương cho bao người dân phải trả giá.
Có rất nhiều biện pháp để giải quyết một vấn đề, chứ không bao giờ chỉ có duy nhất giải pháp, nhất là khi đó chỉ là vấn đề đất đai, chứ không phải chính trị hay hình sự, đặc biệt là khi chính quyền có trong tay tất cả và hoàn toàn làm chủ mọi tình huống. Và, anh ở tầm vóc nào sẽ chọn cách xử lý đó.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chọn cách của mình: “VỀ VỚI DÂN ĐỪNG MANG SÚNG!” Bởi ông hiểu rằng, nếu có bất cứ ai phải chết trong cuộc đụng độ không cân sức ấy, đều chỉ là nạn nhân và đều đáng thương – cả người dân lẫn người phải thực thi nhiệm vụ!
Và lịch sử viết tên ông!
Dưới đây tôi xin trích bài viết “Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Về với dân, đừng mang súng” của tác giả Đình Tường phỏng vấn ông Tạn sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng!
“Những năm tôi làm Phó Thủ tướng đi xử lý khiếu kiện rất nhiều nơi, kéo dài, từ Bắc chí Nam ở nơi nào có vụ phức tạp tỉnh nghe huyện một chiều, huyện nghe xã một chiều, không nghe phía trái lại, đặc biệt không nghe ý kiến của dư luận đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Có những vụ kéo dài hàng chục năm, có vụ đến giờ vẫn không xong, tôi về hưu lâu rồi mà vẫn đến nhờ giúp đỡ, giải quyết vì chính quyền cơ sở làm không đầy đủ, không nghiêm.
Khiếu kiện của nông dân chủ yếu là đất đai. Khi tôi là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm 80 (TK XX) xảy ra vụ Song Phương (Hoài Đức), mâu thuẫn đến mức hai bên, phía nông dân và phía khác đã dàn trận chuẩn bị đánh nhau. Điều nguy hiểm là trong làng cất trữ nhiều vũ khí của dân quân. Tôi cho lực lượng đặc nhiệm đột nhập lấy vũ khí ra để khỏi đánh nhau nhưng do có canh gác kỹ quá, không lấy được.
Tình hình rất căng. Quân khu Thủ đô hồi ấy định đưa xe bọc thép bao vây làng, tôi bảo như thế chẳng khác đổ dầu vào lửa. Tôi cùng anh Phạm Chuyên, lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, vào đối thoại với dân. Anh Chuyên hỏi: “Anh đi thế này có nguy hiểm không”. Tôi bảo: “Không, cứ vào đấy xem sao”. Anh Chuyên lại hỏi: “Em có mang súng theo không?”. Tôi bảo: “Bỏ súng, chúng ta tay không vào với dân”. “Nguy hiểm thì sao?”. Anh Chuyên vẫn băn khoăn. Tôi mới an ủi: “Dân thấy chúng ta vào tay không vì lợi ích của họ sẽ không nỡ lòng nào. Giả thiết họ đánh lại chúng ta đành chịu vậy vì ổn định xã hội”.
Sau khi nghe tôi giải thích dân rút hết. Lúc ấy anh Bí thư Đảng ủy xã dẫn đầu một phe, Thành ủy Hà Nội nói với tôi cho người bắt anh này. Tôi bảo không, chưa đủ chứng cớ để bắt. Vả lại anh ta đại diện cho một nhóm lợi ích của nông dân, đụng đến anh chưa chắc nông dân đã đồng tình. Tôi cho người đến gặp anh Bí thư này nói nên rút lui. Anh ta nghe ra và xin gặp tôi: “Em ở đây thì em chết, xin bác cho đi chỗ khác”. Tôi cho anh ta vào Lâm Đồng để lánh đi. Giải quyết tiếp dần dần sau đó Song Phương mới yên.
Vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây mười mấy năm cũng rất nóng bỏng. Khiếu kiện, biểu tình ngay ở huyện tôi. Lúc tôi về họ chuẩn bị dùng bạo lực. Cánh bên chính quyền bảo: “Chúng em chuẩn bị súng sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”. Tôi nói chúng ta mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí có muốn đổ máu nữa không? Mối hận thù này bao giờ nguôi nếu đổ máu. Về bỏ hết súng ống đi. Nếu các anh em kia sai anh dùng súng ống với người ta thì anh cũng sai. Trước súng ống, người ta chống lại, lại sai tiếp. Đua nhau sai. Nghe xong họ mới thôi. Về sau điều tra, tìm hiểu mới biết phe chính quyền hồi đó sai, cậy quyền.
Ông có lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh nào cho các cấp chính quyền sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng?
Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân học hành ít phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Nông dân đã thù là thù rất lâu, rất dai, hết đời này qua đời khác.”
Fb Oanh Bùi